Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (IPV) đã trao tặng 10.000 bộ đồ bảo hộ y tế, 10 máy thở oxy dòng cao HFNC, và 2 máy giúp thở ICU cho Trung tâm Y tế TP Thủ Đức với tổng giá trị các món quà Intel trao tặng lần này là 2 tỷ 930 triệu đồng.
Trong đó: 10.000 bộ đồ bảo hộ y tế 7 món (gồm: mũ, áo liền quần, giày trùm, khẩu trang y tế, găng tay và kính bảo hộ) đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế sẽ giúp bảo vệ an toàn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện điều trị Covid-19 của TP Thủ Đức. Về số lượng máy thở, Intel đã dựa theo phân tầng điều trị bệnh nhân Covid theo khuyến cáo của Bộ Y tế để trao tặng 10 máy thở oxy dòng cao HFNC AIRVO 2 của hãng Fisher & Paykel Healthcare và 2 máy giúp thở ICU TV-100, chuyên dụng cho vận chuyển bệnh của hãng Bio-Med Devices (bao gồm cả 100 dây thở 80011) để dùng trong điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng trung bình nặng, có bệnh lý đi kèm và cần can thiệp điều trị chuyên khoa.
Ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch Sản xuất và Vận hành kiêm Tổng giám đốc IPV cho biết: “Chúng tôi rất trân trọng sự hy sinh và hiểu những nguy hiểm mà các y bác sĩ và tình nguyện viên đang tham gia hỗ trợ chống dịch phải đối mặt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn căng thẳng như hiện nay. Trước tình hình rất nhiều bệnh nhân đang cần máy thở, tôi hy vọng những món quà này sẽ hỗ trợ kịp thời và tích cực cho công tác điều trị của bệnh viện, nâng cao hiệu quả chữa bệnh…”. |
Kể từ khi dịch bệnh Covid bùng phát tại Việt Nam vào tháng 4-2020, IPV đã thực hiện nhiều hành động hỗ trợ ngành y tế trong cuộc chiến chống dịch. Tính đến nay, đóng góp của Intel cho hoạt động này là hơn 8 tỷ đồng, gồm 2 máy thở Puritan Bennett 840 cho Sở Y Tế TPHCM, phối hợp với Amcham Việt Nam trao tặng 1 xe cứu thương chuyên dụng cho Trung tâm Cấp cứu 115, hơn 70.000 khẩu trang y tế và N95, và gần 500 phần quà hỗ trợ người dân khó khăn bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.
Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM có chia sẻ: Ban quản lý Khu CNC rất cảm kích trước sự chung tay của Intel vượt qua đại dịch, thực hiện mục tiêu kép và bằng chứng rõ ràng nhất là đã duy trì sản xuất ổn định với phương án "1 cung đường - 2 điểm đến". Nhờ vào việc xây dựng các biện pháp xét nghiệm phân luồng, phòng chống lây nhiễm rất hiệu quả ngay từ khâu đầu tiên nên IPV là một trong số các doanh nghiệp được duy trì sản xuất với tỉ lệ rủi ro rất thấp. |