Liên quan đến vấn đề này, luật sư Quynh đã đưa ra những chứng cứ như sau: Thứ nhất, Công ty Thiên Phú không có quyền yêu cầu khởi kiện bởi vì: Công ty Thiên Phú không phải là chủ thể trong quan hệ pháp luật của hợp đồng nêu trên nên không có quyền yêu cầu khởi kiện: Căn cứ Điều 4 của Hợp đồng thế chấp tài sản số 6220-LAV201100301/TC ngày 15/03/2011 giữa Ngân hàng Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú đã cam kết về việc xử lý tài sản thế chấp: Trong trường hợp quá hạn trả nợ, Bên A(Ngân hàng Agribank Chợ Lớn) có quền bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ mà không cần có ý kiến của Bên B (Công ty Thiên Phú). Phương thức bán do bên ngân hàng chủ động quyết định.
Căn cứ “Biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của Công ty Thiên Phú” ngày 17-04-2015 giữa Công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn: Công ty Thiên Phú tự nguyện bàn giao, toàn bộ tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản, công trình khác (nếu có) gắn liền với đất của dự án khu dân cư Hòa Lân cho ngân hàng Agribank Chợ Lớn toàn quyền sử lý, phát mãi tài sản kèm theo hồ sơ pháp lý của dự án trên thông qua tổ chức bán đấu giá để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Công ty Thiên Phú đồng ý cho ngân hàng Agribank Chợ Lớn tự lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản và ủy quyền cho ngân hàng (với tư cách là người có tài sản bán đấu giá được quy định tại Điều 10 Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư Pháp) được toàn quyền ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng, biên bản bán đấu giá tài sản có sự tham gia chứng kiến của công chứng viên để chứng nhận cho những văn bản này và những văn bản, giấy tờ khác có liên quan đến việc định đoạt tài sản thế chấp nói trên để ngân hàng thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Khi bán đấu giá tài sản nói trên, Công ty Thiên Phú có nghĩa vụ và trách nhiệm phối hợp cùng với ngân hàng để giao tài sản trên thực tế cho người mua được tài sản bán đấu giá thực hiện quyền đăng ký sở hữu và làm những thủ tục được tiếp tục thực hiện cho việc đầu tư dự án.
Căn cứ theo quy định tại Điều 299, Điều 301, điểm a khoản 1 Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 56, khoản 1 Điều 59 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP sửa đổi bổ sung 2012, quy định về các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm và giao tài sản bảo đảm, nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Căn cứ theo khoản 1 Điều 58 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm được sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định: “Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật” và khoản 4 Điều 58 của Nghị định cũng quy định: “Người xử lý tài sản bảo đảm (sau đây gọi chung là người xử lý tài sản) là bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm ủy quyền, trừ trường hợp các bên tham gia giao dịch bảo đảm có thỏa thuận khác. Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm”.
Từ những căn cứ nêu trên, ngân hàng Agribank Chợ Lớn đã trở thành người có tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Căn cứ khoản 6 Điều 2 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và khoản 4 Điều 10 Thông tư số 23/2010/TT-BTP quy định: Ngân hàng, tổ chức tín dụng đối với tài sản bảo đảm là người có tài sản bán đấu giá. Căn cứ theo quy định tại Điều 451 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 117, điểm a khoản 2 Điều 118 Luật đất đai 2013 về bán đấu giá tài sản và nguyên tắc đấu giá quyền sử dụng đất. Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.Căn cứ khoản 1 Điều 25 và điểm đ khoản 1 Điều 26 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định: “Tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa người có quyền xử lý tài sản đó theo thỏa thuận trong hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc theo quy định của pháp luật với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp”. Căn cứ Hợp đồng bán đấu giá tài sản số: 10/2015/ĐGNSG ngày 17/06/2015 giữa Ngân hàng Agribank Chợ Lớn với Công ty CP DV đấu giá Nam Sài Gòn. Căn cứ Điều 35 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; khoản 2 Điều 46 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết giữa người có tài sản đấu giá với người trúng đấu giá hoặc giữa người có tài sản đấu giá, người trúng đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản nếu các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Từ những căn cứ nêu trên, trong Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 01-07-2017 chủ thể tham gia hợp đồng theo quy định của pháp luật chỉ có:Ngân hàng Agribank Chợ Lớn; Công ty xây dựng A Đông Hải; Công ty CP DV đấu giá Nam Sài Gòn.
Vì vậy công ty Thiên Phú không phải chủ thể tham gia ký kết Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 01-07-2017. Nên Công ty Thiên Phú không có quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng này (Điều 4). Việc Công ty Thiên Phú tham trong hợp đồng chỉ với tư cách người chứng kiến và theo thỏa thuận (Điều 7) có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ cùng với Ngân hàng Agribank Chợ Lớn thực hiện việc hoàn tất các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản liên quan đến tài sản bán đấu giá cho Công ty xây dựng A Đông Hải.
Từ căn cứ nêu trên, Công ty Thiên Phú không có quyền khởi kiện vì: Không phải chủ thể tham gia trong hợp đồng; Không có quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng; Không có tranh chấp về dân sự theo quy định của pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 92 BLTTDS 2015 và điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05-05-2017 quy định Công ty Thiên Phú không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186 BLTTDS 2015 nên không có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 385 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”. Nên tranh chấp dân sự là Những tranh chấp về quyền, lợi và nghĩa vụ hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự.
Và cho đến tại thời điểm bây giờ, Công ty Thiên Phú vẫn không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào chứng minh rằng Công ty Thiên Phú là “người có tài sản đấu giá” đối với đối tượng được đấu giá trong Hợp đồng nói trên theo quy định của pháp luật. Không có chứng cứ chứng minh giữa Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty Thiên Phú với tư cách là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Vì vậy với quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND Q7 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” giữa nguyên đơn là Công ty Thiên Phú còn bị đơn là Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn của TAND Q7 đã không tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự, vi phạm quy định tại Điều 3 BLTTDS 2015.