Chiếc Boeing 777 số hiệu MH370 của hãng Malaysian Airlines chở 239 người, phần lớn là người Trung Quốc, biến mất ngày 8-3-2014 ở Nam Ấn Độ Dương, trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới.
Australia đã dẫn đầu cuộc tìm kiếm ban đầu, sau khi giới chức hàng không xác định MH370 có thể rơi vùng biển phía Tây nước này.
Chiến dịch tìm kiếm quốc tế khổng lồ rà quét một diện tích 120.000km² với chi phí đến 159,16 triệu USD đã kết thúc không có kết quả vào tháng 1, dù các gia đình nạn nhân phản đối, yêu cầu tiếp tục tìm kiếm.
Bộ trưởng Giao thông Australia Darren Chester cho biết, Chính phủ Malaysia đã chấp nhận đề nghị của Ocean Infinity và Australia sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc tìm kiếm mới.
Theo Bộ trưởng Chester, Ocean Infinity sẽ tập trung tìm kiếm ở một khu vực 25.000km² đã được Cơ quan An toàn Giao thông Australia (ATSB) xác định là có "xác suất cao" MH370 rơi.
Ocean Infinity, trụ sở tại Texas, không tiết lộ chi phí ước tính của cuộc tìm kiếm mới. Công ty sử dụng mô hình hàng thế kỷ trong công nghiệp trục vớt là "không tìm thấy không lấy tiền", thường áp dụng trong trục vớt hàng hóa có giá trị bị chìm đắm.
Theo thỏa thuận kiểu này, công ty tìm kiếm sẽ gánh chịu rủi ro tài chính của việc trục vớt và sẽ thu lại từ chủ sở hữu tỷ lệ giá trị hàng hóa nếu tìm thấy, thường đến 80-90%.