SVB Financial đã thành lập một ủy ban tái cơ cấu với 5 thành viên, trong đó đứng đầu là ông William Kosturos, trước đó là giám đốc phụ trách tái cơ cấu ngân hàng tiết kiệm và cho vay lớn nhất nước Mỹ Washington Mutual từng sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết đang đánh giá công tác quản lý với ngân hàng SVB cũng như nguyên tắc hoạt động của chính SVB. Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân SVB sụp đổ phần lớn do FED tăng lãi suất mạnh nhằm kiềm chế lạm phát, vốn đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán. Một số chuyên gia và các ngân hàng hàng đầu nhận định FED có thể cần tạm dừng chính sách hiện nay để ổn định thị trường tài chính.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu ngày 14-3, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ do lo ngại sự sụp đổ liên tiếp của hai ngân hàng SVB và Signature Bank sẽ gây “hiệu ứng domino”.