Chiều 12-10, TAND TPHCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm với ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) cùng 9 bị cáo khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong vụ sai phạm trong chuyển nhượng 32ha đất tại xã Phước Kiển, gọi tắt là dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và một phần diện tích của dự án khu dân cư ven sông Tân Phong, gọi tắt là dự án Ven Sông (quận 7) gây thiệt hại của nhà nước hơn 734 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là bên mua 2 dự án Phước Kiển và dự án Ven Sông. Đối với hợp đồng chuyển nhượng 32ha dự án Phước Kiển thì sau khi vụ việc được phát hiện, căn cứ chỉ đạo của Văn phòng Thành ủy TPHCM ngày 24-4-2018, Công ty Tân Thuận và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng trên. Công ty Tân Thuận trả lại cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hơn 374 tỷ đồng, tiền thuế VAT là 23 tỷ đồng và lãi hơn 21 tỷ đồng.
Tại tòa, đại diện Công ty Tân Thuận đề nghị nhận lại hơn 21 tỷ đồng tiền lãi đã chuyển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Việc chuyển nhượng là sai phạm liên quan đến vụ án hình sự. Vì vậy, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận nên việc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai nhận lãi là sai quy định.
Đại diện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đề nghị HĐXX xem xét trong giao dịch chuyển nhượng dự án Phước Kiển, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là một bên trong quan hệ giao dịch dân sự kinh tế, là một bên ngay tình, không có vi phạm gì trong nội bộ Công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy TPHCM. Sau khi vụ án được khởi tố theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra, công ty có nộp tiền vào tài khoản của cơ quan này là 16,9 tỷ đồng/21 tỷ đồng để đợi chờ vụ án được giải quyết.
Đại diện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đề nghị HĐXX xem xét việc hủy hợp đồng dự án Phước Kiển gây thiệt hại cho công ty này. Việc thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng và hoàn trả 1 phần tiền lãi cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là phù hợp với quy định pháp luật.
HĐXX hỏi vì sao Công ty Tân Thuận chuyển hơn 21 tỷ đồng tiền lãi cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai nhưng phía công ty chỉ trả lại 16,9 tỷ đồng. Đại diện Công ty CP Quốc Cường trình bày là số tiền trên là thực nhận, số tiền còn lại là Công ty CP Quốc Cường đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho khoản tiền 21 tỷ đồng.
Với dự án Ven Sông, đại diện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai trình bày, việc công ty nhận chuyển nhượng vốn góp ban đầu 45% với giá 186 tỷ đồng được xác định là đúng quy định, không sai phạm. Công ty đã thanh toán đầy đủ cho Công ty Tân Thuận. Hiện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã đầu tư xây dựng được block A, C và đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng vào xây dựng, hạ ngầm trụ điện, hơn 10 tỷ đồng làm trạm xử lý nước thải để phục vụ hạ tầng kỹ thuật khu dân cư.
Năm 2016, Hội đồng thẩm định giá trong tố tụng hình sự đã xác định tiền chênh lệch giữa giá Hội đồng định giá xác định và giá chuyển nhượng là hơn 3,5 triệu đồng/m². Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cho rằng, mình có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có năng lực, có vốn để thực hiện dự án và cũng đã trả tiền mua lại 45% vốn góp.
Đồng thời, công ty này mong HĐXX đồng ý cho công ty tiếp tục thực hiện dự án và chấp nhận nộp phần chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá trị Hội đồng định giá xác định.