Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC đạt danh hiệu Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2024

Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC vừa được UBND TPHCM trao danh hiệu Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2024.

Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC chia sẻ, để đạt được danh hiệu trên, công ty phải đảm bảo đạt được hệ thống tiêu chuẩn khắt khe từ ban tổ chức. Có thể kể đến như công ty đã xử lý toàn bộ nước thải, khí thải, mùi hôi, tiếng ồn, bụi thải, chất thải rắn nói chung phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường. Về doanh thu, lợi nhuận cũng phải đạt hoặc vượt so với năm trước liền kề hoặc so với kế hoạch.

Cùng với đó, hàng loạt tiêu chuẩn khác như trình độ công nghệ sản xuất, nhân sự; tỷ lệ áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản trị; Giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng quản lý; Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, công tác tiếp thị quảng bá thương hiệu; Đẩy mạnh công tác tìm thị trường mới, tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu; Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm; Trình độ công nghệ xử lý chất thải; Công nghệ xử lý, thiết bị máy móc; Sản phẩm có tính thân thiện với môi trường; Có sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung ứng hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu (xuất xứ địa lý, QR code, mã vạch, ...); Áp dụng có hiệu quả các phương pháp trong quá trình sản xuất (sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu)… đều phải đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà ban tổ chức đưa ra.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp phải có đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị và cộng đồng, nâng cao nhận thức của người lao động; có các dự án bảo vệ môi trường.

TAI_1500.jpg
Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC (giữa) nhận danh hiệu Doanh nghiệp xanh năm 2024 do UBND TPHCM trao tặng

Cũng theo bà Hương, hiện sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều hệ thống phân phối trên cả nước và đã xuất khẩu ra nhiều thị trường khó tính trên toàn cầu. Trên thực tế, tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến yếu tố xanh dành cho sản phẩm nhập khẩu ngày càng nhiều.

Điển hình như các sản phẩm xuất nhập khẩu sẽ bị áp thuế tuỳ vào mức độ đáp ứng về tỷ lệ giảm thiểu chất thải ô nhiễm, khả năng tiết kiệm năng lượng, việc sử dụng nguyên vật liệu sản xuất có ảnh hưởng tới cân bằng sinh thái hay không, các loại bao bì có tái sử dụng được hay không. Bên cạnh đó, một số thị trường còn áp dụng đánh thuế môi trường, thuế tài nguyên lên sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt, nhiều quốc gia còn xây dựng các tiêu chuẩn hàng hóa trong đó quy định nghiêm ngặt hàm lượng tài nguyên thô như là một biện pháp bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đồng Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Doanh nghiệp xanh cho rằng, tiêu chuẩn xanh là một hệ thống quy định những tiêu chuẩn về môi trường sản xuất, trình độ công nghệ sản xuất, xử lý chất thải, giải pháp tận thu, sử dụng, tái chế chất thải, giảm thiểu phát thải…

Hiện nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đang áp dụng các Tiêu chuẩn xanh trong nhập khẩu hàng hoá để bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Điều này thể hiện sự mong mỏi chính đáng của họ trong việc hành động để nâng cao chất lượng cuộc sống lên mức an toàn, bền vững và cũng để bảo vệ lợi ích chính đáng của họ. Nhưng điều này lại đặt ra nhiều thách thức, rào cản xanh khi chúng ta muốn xuất khẩu hàng hoá vào các nước này. Và đây không còn là yếu tố lựa chọn mà là bắt buộc với mỗi doanh nghiệp nếu muốn duy trì và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục