
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa kiến nghị UBND TP xử phạt Công ty cổ phần Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công (gọi tắt là Công ty Thành Công) đã có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng. Điều đáng nói là sai phạm này diễn ra từ năm 2007 cho đến nay, mặc dù đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt nhiều lần, công ty vẫn chưa khắc phục.
Độ màu vượt tiêu chuẩn hơn 26 lần
Theo bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi sở đã phối hợp với Cảnh sát Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú kiểm tra đột xuất, lấy mẫu khí thải, nước thải của Công ty Thành Công vào tháng 8-2009, kết quả phân tích cho thấy nồng độ chất thải của công ty đều vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần. Cụ thể đối với nước thải, nồng độ chất BOD5 vượt tiêu chuẩn nước thải loại B là 2,24 lần, độ màu vượt 26,13 lần. Riêng về khí thải có nồng độ CO vượt tiêu chuẩn cho phép 2,879 lần.

Công ty Thành Công từng là doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may Việt Nam nhưng chưa chấp hành đúng Luật Bảo vệ môi trường. Ảnh: Đức Trí
Công ty Thành Công hoạt động trong lĩnh vực dệt, may tại 36 đường Tây Thạnh, quận Tân Phú, từ năm 2006. Điều đáng nói, sau khi công ty đi vào hoạt động không lâu, đến năm 2007, người dân tại khu vực này đã liên tục phản ánh về tình trạng sản xuất của công ty gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng.
Kết quả kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại công ty của đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất xử lý 2.500m³/ngày. Hệ thống xử lý khí thải (nguyên liệu đốt là vỏ hạt điều) cũng đã được công ty đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, chất thải sau khi được xử lý của các hệ thống xử lý chất thải đều không đạt tiêu chuẩn quy định. Cá biệt là tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, xử phạt nhiều lần nhưng công ty vẫn chưa khắc phục, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư sống khu vực xung quanh.
Đơn cử như từ năm 2007, UBND phường Tây Thạnh, quận Tân Phú đã có công văn gởi Sở Tài nguyên và Môi trường phản ánh bức xúc của người dân phường Tây Thạnh liên quan đến việc công ty sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Kế đến, tháng 8-2008, thanh tra sở đã kiểm tra và quyết định xử phạt công ty vì có hành vi xả khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Theo đó, mức phạt tiền là 13 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn bị buộc tạm đình chỉ hoạt động lò dầu Martech 2 cho đến khi cải tạo hoàn thành hệ thống xử lý khí thải, đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra ngoài.
Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường của công ty vẫn chưa được cải thiện. Không dừng lại đó, ngày 12-9, công ty còn bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt vì sử dụng giấy phép xả thải quá thời hạn, với mức phạt 25 triệu đồng.
Vượt thẩm quyền xử phạt của sở
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn trên của Công ty Thành Công nằm trong khung hình phạt từ 31 triệu đồng đến 33 triệu đồng, còn khí thải nằm trong khung hình phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Đây là những mức phạt nghiêm trọng, vượt thẩm quyền phạt tiền của chánh thanh tra sở. Do vậy, việc đề xuất UBND TPHCM xử phạt các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường đối với Công ty Thành Công là hợp lý.
Mặt khác, trong kiến nghị sở trình UBND TPHCM cũng đề nghị phải áp dụng mức phạt tối đa (khung hình phạt tiền) đối với Công ty Thành Công, tức là tổng mức phạt hai hành vi trên là 39 triệu đồng. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng nên áp dụng thêm hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc Công ty Thành Công tạm đình chỉ hoạt động các công đoạn phát sinh nước thải gây ô nhiễm cho đến khi toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn về nước thải công nghiệp dệt may trước khi thải ra môi trường.
Đồng thời, sở cũng đề nghị trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, công ty phải thực hiện cải tạo, sửa chữa hệ thống xử lý khí thải, đảm bảo toàn bộ khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động phải được xử lý đạt tiêu chuẩn khí thải công nghiệp.
Việc doanh nghiệp vì lợi nhuận của mình mà gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân là điều khó có thể chấp nhận được. Hơn nữa, đây lại là trường hợp doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng và kéo dài trong khoảng thời gian khá lâu, do vậy UBND TPHCM cần sớm xử lý trường hợp này, thậm chí phải áp dụng hình thức xử phạt nặng hơn vì lợi ích chung của cộng đồng.
MINH XUÂN