Tại Lễ ký kết, ông Võ Văn Phu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền khẳng định: “Trong những năm qua, Bình Điền đã kết hợp chặt chẽ với Đại học Cần Thơ để cùng đồng hành với bà con nông dân ĐBSCL trên nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp, công tác xã hội. Qua thỏa thuận ở giai đoạn mới, chúng tôi sẽ nâng tầm mối quan hệ giữ 2 đơn vị, nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để tạo ra những dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới, đó là nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm dinh dưỡng khoáng, vi sinh vật có lợi và Trichoderma ứng dụng trong nông nghiệp, nhằm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm sâu bệnh trên cây trồng”.
Sau khi thoả thuận được ký kết, Đại học Cần Thơ sẽ nghiên cứu về sản phẩm ứng dụng trong các công nghệ mới, ứng dụng các chế phẩm vào trong sản phẩm phân bón và tiến hành việc khảo nghiệm đánh giá hiệu lực sản phẩm trên đồng ruộng, khi đạt kết quả sẽ chuyển giao cho Công ty cổ phần phân bón Bình Điền để triển khai thương mại sản phẩm trên thị trường.
Cũng tại khu vực ĐBSCL, Công ty Bình Điền đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bà con nông dân trồng lúa, trong đó nổi bật là mô hình “Canh tác lúa thông minh”, được áp dụng rộng rãi trong các mô hình cánh đồng lớn, sản xuất lúa chất lượng cao tại Long An, VietGAP, dự án VnSAT ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu…
Sau 2 năm thực hiện, chương trình mang lại lợi ích rất lớn cho “vựa lúa” của cả nước nhờ các nhà khoa học nông nghiệp của Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã chuyển giao được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác hiệu quả đến đông đảo bà con nông dân trồng lúa. Qua 3 vụ lúa, đã có tổng cộng 195 nông dân trồng lúa được tập huấn, chuyển giao và thực hành ngay tại đồng ruộng, với sự tư vấn, đào tạo chuyên sâu của ban tư vấn gồm các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành nông nghiệp.