PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho rằng nhiều bảo tàng không khai thác được không phải là lỗi của thiết chế bảo tàng, mà cần giải bài toán tại sao bảo tàng vắng khách?
* PHÓNG VIÊN: Có nhiều ý kiến cho rằng trong thời điểm kinh tế đang khó khăn thì những cái nên giảm đầu tiên là việc xây dựng các công trình văn hóa như bảo tàng chẳng hạn. Ông có đồng tình với quan điểm này?
- PGS NGUYỄN VĂN HUY: Tôi không nghĩ là đất nước còn khó khăn thì chưa nên đầu tư xây dựng các công trình văn hóa. Hãy nhìn sang Pháp, không có đời tổng thống nào là không có những quyết sách về 1 công trình văn hóa lớn.
Tôi trở lại trường hợp của mình. Những năm 80 là những năm cả nước ăn bo bo, bột mì, đói vô cùng, nên việc đầu tư vài chục triệu cho xây dựng bảo tàng đương nhiên là sẽ gặp khó khăn. Nhưng chúng tôi đã thuyết phục các vị lãnh đạo rằng đến khi qua thời kỳ khó khăn, sẽ có gì cho thế hệ tương lai đây?
PGS Nguyễn Văn Huy
Cần phải nhắc lại một việc: Năm 1990, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bắt đầu khởi công, năm 1997 khánh thành. Ròng rã 17 năm chuẩn bị. Đến nay bảo tàng tròn 20 tuổi. Tôi đã về hưu được 10 năm và vẫn nghe nói bảo tàng có doanh thu ngày càng lớn, hàng năm đón 500.000 - 600.000 lượt khách.
Cán bộ bảo tàng dân tộc học hiện đang nhận mức lương khá ổn. Không chỉ thế, nếu thu hút được du khách đến bảo tàng nửa ngày hay một ngày thì đồng nghĩa với việc níu chân họ lại với thành phố từng đó thời gian và chính nó đã giải quyết, thúc đẩy thêm nhiều vấn đề liên quan tới thu nhập khác từ các dịch vụ và du lịch.
Thế nên tôi mới nói là không thể nói đầu tư các công trình văn hóa là lỗ, nhất là bảo tàng. Cái chính là các bảo tàng đã biết cách thu hút khách chưa? Nếu mỗi bảo tàng đều làm tốt, đều đông khách thì tôi nghĩ người dân sẽ không phản đối.
* Hiện chúng ta cũng đang có khá nhiều bảo tàng, tuy quy mô không lớn nhưng số lượng khách đáng kể. Song tiếc thay có những công trình bảo tàng cũng được xây lớn, sau bao năm vẫn èo uột…?
- Có thể nói đó chính là sai lầm của cơ chế. Hầu hết các dự án xây dựng bảo tàng đều do Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng các địa phương làm chủ đầu tư trong khi việc này lẽ ra thuộc về Bộ VH-TT-DL hay Sở VH-TT-DL các địa phương, thậm chí là của chính đơn vị bảo tàng sẽ thụ hưởng.
Những người làm chuyên môn về bảo tàng đã bị tách ra khỏi quá trình xây dựng bảo tàng. Đó chính là mấu chốt dẫn đến những sai lầm, làm cho việc xây dựng tòa nhà và trưng bày về nội dung không xứng với nhau, chậm tiến độ hay chất lượng không như mong muốn.
Cần từ bỏ tư duy làm bảo tàng theo kiểu “may áo khi chưa thấy người”, nói cách khác, không thể giao việc nghiên cứu hiện vật, xây dựng lộ trình tham quan, nội dung câu chuyện, lựa chọn hiện vật... của bảo tàng cho Ban quản lý xây dựng bảo tàng mà họ không có chuyên môn về bảo tàng như cách làm hiện nay.
Người ta vẫn hay nhắc đến bài học vắng khách của Bảo tàng Hà Nội vì chạy theo thành tích, xây cái nhà cho kịp ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long mà không chuẩn bị cho nội dung là cái hồn cốt của bảo tàng.
* Theo ông cần khắc phục điều này bằng cách nào?
- Tôi muốn bằng một ví dụ để nói về sự đổi mới. Chẳng hạn Bảo tàng tưởng niệm sự kiện 11-9 ở New york (Mỹ) mở cửa năm 2016, đó là một bảo tàng hoàn toàn mới về tư duy và cách tổ chức trưng bày, hấp dẫn và hiện đại.
Họ đã phải chuẩn bị trong 10 năm để thực hiện. Từ ý tưởng thiết kế cho tòa nhà âm xuống tầng sâu lòng đất để đưa trưng bày đủ một cột thép cao của nhà cũ và lộ trình bắt đầu đi thang cuốn từ trên xuống tầng hầm trong sự suy ngẫm về cột thép cứ lướt qua. Cột thép bị máy bay đâm làm tòa nhà đổ đánh cong là biểu tượng của sự khủng bố ở Tòa tháp đôi.
Tất cả bảo tàng và trưng bày được xây dựng từ những ý tưởng độc đáo và táo bạo. Đầu tư đâu vào đó, chắc lớn lắm nhưng sản phẩm lại là một giá trị vĩnh cửu tạc vào lòng người và nhân loại. Không phải nói, khách xem phải đặt vé trước hàng tuần.
Từ những bài học đó để thấy việc phải thay đổi về quan niệm làm bảo tàng và chất lượng trưng bày quan trọng như thế nào. Để làm bảo tàng mới, quy mô lớn thì cần thời gian chuẩn bị khá dài, chí ít cũng 10 năm. Phải có ý tưởng đột phá, sáng tạo để chuẩn bị nội dung cho tốt, kịch bản cho hay.
Muốn thế bảo tàng phải chuẩn bị một đội ngũ lành nghề; họ cần được đào tạo bài bản, đặc biệt là nên đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Phải chuẩn bị ngay 5 năm, 10 năm cho một thế hệ làm bảo tàng thực sự chuyên nghiệp cho Bảo tàng LSQG vì việc xây tòa nhà bảo tàng ít nhất cũng 5-7 năm nữa mới thực hiện được.
Trong khi chờ đợi, tốt nhất là chú trọng đào tạo một thế hệ mới cho tương lai. Đội ngũ mới này sẽ tiếp cận quan niệm mới, hình thành ý tưởng mới và tiếp cận cả hệ thống công nghệ mới, cách thức và thủ pháp trưng bày mới.
Trong điều kiện của chúng ta hiện nay để làm được một bảo tàng hay và hấp dẫn cần mạnh dạn mời các nhóm tư vấn quốc tế sang làm việc và chuẩn bị ngay từ bây giờ chứ đừng để nước đến chân mới nhảy.
* Trong thời điểm chưa sẵn sàng để xây dựng công trình quy mô lớn, theo ông có nên phát triển mạng lưới bảo tàng địa phương cũng như bảo tàng chuyên ngành, tư nhân?
- Trong điều kiện chưa có nhiều tiền, đội ngũ cán bộ còn hạn chế thì chúng ta nên phát triển những bảo tàng nhỏ mà có hiệu quả. Có nhiều mô hình như thế khắp nơi.
Ở Luông Pha Băng (Lào) có một bảo tàng dân tộc học của tư nhân, rất nhỏ nhưng chất lượng cao nên rất đông khách. Ở Phnôm Pênh cũng vậy, Bảo tàng mìn, rất đông khách.
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá cũng là một mô hình tốt. Đó là những bảo tàng nhỏ nhưng trưng bày chất lượng cao.
Hiện nay, một số công ty du lịch đã quan tâm để dẫn khách thăm tour tới làng Lai Xá. Nhiều bảo tàng quy mô nhỏ mà hay thì sẽ tạo ra mạng lưới du lịch về bảo tàng, đây gọi là du lịch sáng tạo có chiều sâu văn hóa chứ không chỉ đơn thuần du lịch ngắm danh lam thắng cảnh, tức là du lịch khai thác thiên nhiên là chính.
* Xin cảm ơn PGS!