Quá trình tìm hiểu hồ sơ liên quan đến vụ án “Xâm phạm chỗ ở của người khác” xảy ra tại nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM), PV Báo SGGP nhận thấy công trình này đã vi phạm xây dựng trong thời gian dài nhưng không được xử lý triệt để. Câu hỏi đặt ra là: cơ quan chức năng quận 1 và Thanh tra Sở Xây dựng TP đã ở đâu mà để vi phạm kéo dài?
Ra quyết định chỉ để đối phó?!
Ngày 27-4-2017, UBND quận 1 cấp giấy phép xây dựng số 205 cho bà Hoàng Trọng Anh Chi. Giấy phép thể hiện quy mô công trình gồm hầm, trệt và 5 lầu. Ngày 10-10-2017 bà Chi bán công trình đang xây dựng được 80% cho bà Hoàng Thị Thu Thảo, với điều kiện sau khi nhận cọc 1 tỷ đồng thì giao công trình cho bà Thảo tiếp tục hoàn thiện. Thế nhưng công trình liên tục vi phạm xây dựng.
Cụ thể: ngày 23-11-2017 Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành Quyết định 1761 xử phạt vi phạm hành chính; ngày 12-1-2018 sở ban hành Quyết định 153/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; ngày 3-12-2018 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2407/QĐ-XPVPHC; ngày 24-1-2019 tiếp tục ban hành Quyết định 262/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Tất cả các quyết định này đều buộc chủ đầu tư (trên giấy tờ mang tên là bà Chi) có trách nhiệm tự tháo dỡ công trình sai phạm, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế. Và Sở Xây dựng cũng gởi nhiều biên bản yêu cầu UBND quận 1 tiến hành cưỡng chế tháo dỡ.
Trong quá trình xử lý, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng với số tiền 37,5 triệu đồng, yêu cầu dừng thi công và trong 60 ngày phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng đối với phần công trình vi phạm đã được ghi trong biên bản. Lý do, chủ đầu tư bị xử phạt là đã bị lập biên bản vi phạm hành chính ngày 20-11-2017 vì xây dựng sai phép nhưng vẫn tiếp tục có những vi phạm như: xây tường gạch, lắp cửa trên ban công thành phòng từ lầu 1 đến lầu 5, diện tích 137m²; xây dựng tăng diện tích tại vị trí sân phía sau bên trái từ lầu 1 đến lầu 5 diện tích 31,5m²; xây lắp thang sắt tại vị trí phía sau bên phải từ trệt đến sàn mái lầu 5 tổng 25,2m²; xây dựng tăng diện tích từ lầu 1 đến lầu 4 tăng 37,2m²; xây dựng tăng diện tích lầu 5 thêm 12,1m². Tại quyết định cưỡng chế số 262, Thanh tra Sở Xây dựng buộc bà Chi thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu bà Chi tháo dỡ phần công trình xây dựng sai nội dung giấy phép như trên.
Tháng 8-2019, bà Chi gửi đơn cứu xét, đề nghị Thanh tra Sở Xây dựng thông báo với cơ quan chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 1 cho bà được đăng ký giao dịch đảm bảo thế chấp chỉ phần diện tích đất, không bao gồm tài sản gắn liền với đất. Lúc này, Thanh tra Sở Xây dựng trả lời: Cho đến nay Thanh tra sở đã ban hành 2 quyết định xử phạt, 2 quyết định cưỡng chế mà bà không chấp hành, cố tình thi công vào ban đêm, ngoài giờ hành chính, hoàn thiện đưa công trình vào sử dụng, không tháo dỡ các phần diện tích vi phạm. Thanh tra sở yêu cầu bà Chi chấm dứt việc tránh né, hợp tác với Thanh tra Sở Xây dựng để xử lý đầy đủ các hành vi tiếp tục thi công, hoàn thiện đưa vào sử dụng, khẩn trương tháo dỡ các phần diện tích vi phạm đảm bảo diện tích, quy mô công trình đúng theo giấy phép xây dựng được cấp, trường hợp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Ra nhiều văn bản, quyết định xử lý vi phạm như vậy, nhưng đến nay tại công trình này không những không khắc phục sai phạm mà còn đưa người vào ở, kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng.
“Không an toàn để ở” vẫn vào ở và cho thuê phòng?
Ngày 27-12-2018, UBND phường Đa Kao lập biên bản làm việc với nội dung công trình thi công xây dựng sai phép; phát sinh tranh chấp hợp đồng mua bán; phát sinh thêm hành vi xây dựng sai phạm và có hiện tượng xuất hiện các đối tượng lạ mặt gây rối an ninh trật tự. Do đó UBND phường mời các bên để giải quyết sự việc.
Tại buổi làm việc này, bà Thảo trình bày do công trình xây dựng sai nên không hoàn công được, bà Chi đã trốn tránh không hợp tác. Theo hợp đồng, bà được quyền tiếp quản và xây dựng tiếp công trình. Trong khi đó, ông Tùng, “người được bà Chi ủy quyền”, cho rằng bà Thảo chiếm dụng nhà khi các giấy tờ pháp lý vẫn đứng tên bà Chi là trái pháp luật. Do bà Thảo chiếm dụng nhà nên bà Chi không khắc phục được sai phạm. Sau khi tiếp nhận nhà thì bà Chi sẽ khắc phục sai phạm, tiến hành hoàn công.
Cũng tại buổi làm việc này, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng - ông Nguyễn Thanh Tùng, Đội Thanh tra địa bàn quận 1, nói rõ: “Việc tranh chấp của các bên do tòa xử lý. Tuy nhiên, công trình đang thi công không đảm bảo an toàn, có người ở lại sẽ gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng. Yêu cầu các bên thực hiện các quyết định xử lý vi phạm, đề nghị công an phối hợp địa chính - xây dựng phường, thanh tra xây dựng tổ chức lực lượng cấm các phương tiện chuyên chở vật tư và người lao động vào thi công công trình vi phạm. Yêu cầu các bên không bố trí người ở lại”. Bà Thảo bỏ về, không ký biên bản cuộc làm việc này.
Theo điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 xác định, bà Thảo đã đưa gia đình vào ở căn nhà nói trên từ tháng 3-2019. Trên một số trang mạng đặt phòng lưu trú, nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết đến với tên gọi 1983’s home, nhận khách từ 18-6-2019. Trên trang booking.com có 23 ý kiến khách hàng đã đánh giá về chất lượng phòng thuê ở đây, trong đó sớm nhất là ý kiến từ 21-6 và gần đây nhất là ngày 10-9.
Câu hỏi đặt ra là tại sao công trình xây dựng sai phép đã bị xử phạt, đã yêu cầu tháo dỡ, nhưng không được chủ đầu tư tháo dỡ? Thanh tra Sở Xây dựng đã ra quyết định cưỡng chế nhiều lần, nhưng UBND quận 1 không thực hiện. UBND quận 1 cũng không đình chỉ thi công theo quy định. Đã vậy, trong lúc công trình chưa hoàn công, đang trong thời gian chờ cưỡng chế vẫn để cho người vào ở, thậm chí kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng.
Thành ủy TPHCM vừa ra Chỉ thị số 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP, thế nhưng một công trình sai phạm ngang nhiên tồn tại thách thức pháp luật từ năm 2017 đến nay giữa trung tâm thành phố thì không bị xử lý.