Công trình kiến trúc, di tích văn hóa - lịch sử ở Đồng Nai: Làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị?

Hiện nay, trên địa bàn TP Biên Hòa có nhiều di tích văn hóa - lịch sử đã được công nhận di tích quốc gia. Mặc dù tỉnh đã quan tâm, đầu tư nguồn lực để bảo tồn các di tích có giá trị, nhưng thực tế cho thấy công tác này còn lắm nỗi lo trước áp lực đô thị hóa của đô thị 1,3 triệu dân.

Biệt thự 100 năm tuổi có nguy cơ “biến mất”

Những ngày qua, thông tin ngôi biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh (còn gọi là “nhà lầu ông Phủ”) - công trình kiến trúc nằm ven sông Cái (sông Đồng Nai) thuộc diện phải đập bỏ một phần để triển khai dự án đường ven sông Đồng Nai thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngôi biệt thự hiện do bà Đặng Thị Linh Phương trông giữ. Bà Phương cho biết, ngôi nhà do ông nội bà là Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh xây dựng năm 1924, bà Phương chuyển vào sinh sống từ năm 1978 đến nay. Bà Phương tâm sự: "Đây là công trình kiến trúc rất hiếm, tài sản của gia tộc nên gia đình muốn giữ lại cho con cháu mai sau".

!6a.jpg
Biệt thự cổ Võ Hà Thanh nằm ven sông Đồng Nai

Ngôi biệt thự trên không phải là công trình cổ duy nhất ở Đồng Nai đứng trước nguy cơ xóa sổ. Thành cổ Biên Hòa (phường Quang Vinh, trung tâm TP Biên Hòa) là di tích có giá trị về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, có tuổi đời trên 300 năm, được xem là khu thành cổ còn nguyên vẹn nhất vùng đất Nam bộ, được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2013.

Tuy nhiên, hiện bên phải cổng thành có 6 hộ dân lấn chiếm đất cất nhà để sinh sống và buôn bán gây mất mỹ quan di tích. Điều đáng nói là một số hộ thậm chí đã có sổ đỏ. Ngay cạnh đó là dãy nhà hành chính - nghiệp vụ văn hóa của UBND TP Biên Hòa được xây dựng ngay trên móng tường thành cũ.

Từ năm 2014 -2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã đầu tư hơn 41 tỷ đồng để trùng tu và bảo tồn một số phần của tòa thành, như: nhà cổ phía Đông, nhà cổ phía Tây, hàng rào thành cổ, xây nhiều công trình phụ… nhưng do việc trùng tu chưa đến nơi đến chốn và tình trạng nhếch nhác ở mặt tiền của thành cổ nên chưa phát huy hiệu quả.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với khu di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức (phường Trung Dũng, TP Biên Hòa) được xếp hạng di tích quốc gia năm 1990. Hiện một số khu mộ của Trịnh gia bị xâm chiếm sử dụng vào mục đích khác, đường vào từ phía đường 30-4 khá hẹp, chỉ đủ chỗ cho xe máy lưu thông nên khó thu hút khách tham quan.

Năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 343/QĐ-UBND duyệt dự án Đầu tư xây dựng bảo tồn tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức. 1 năm sau, Ban Quản lý dự án thuộc UBND TP Biên Hòa có Quyết định số 429/QĐ-QLDA duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình. Thế nhưng, cho đến nay công trình bảo tồn, tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức do UBND TP Biên Hòa làm chủ đầu tư vẫn chưa thể tiến hành do vướng giải phóng mặt bằng.

Cùng với các di tích “nhà lầu ông Phủ”, thành cổ Biên Hòa, lăng mộ Trịnh Hoài Đức, tỉnh Đồng Nai còn có nhiều di tích văn hóa - lịch sử, kiến trúc có giá trị gắn với quá trình khẩn hoang, mở mang bờ cõi về phương Nam của tiền nhân như đình Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân, Thất Phủ cổ miếu, chùa Đại Giác… đều tọa lạc ven sông Cái. Đây chính là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá cần được tôn tạo, gìn giữ để phát huy giá trị của di tích trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Cần trân trọng di tích có giá trị

Đối với biệt thự cổ ven sông Đồng Nai, ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ căn nhà này đang thuộc sở hữu tư nhân, nếu chủ nhà không đồng ý thì không thể bắt họ làm theo ý mình. Ông Ninh nói: “Nếu giữ lại ngôi biệt thự thì ai cam đoan ngôi nhà sẽ được bảo tồn khi chưa phải là di tích? Sau này chủ nhà đổi ý, không muốn giữ lại mà đập bỏ đi thì sao? Phương án tối ưu là chính quyền mua lại toàn bộ khu đất, giữ lại biệt thự, rồi sau đó cải tạo thành địa điểm công cộng để người dân tham quan”.

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai, đưa ra 3 biện pháp giữ ngôi biệt thự cổ. Thứ nhất, tỉnh chấp thuận cho Ban Quản lý dự án nghiên cứu điều chỉnh thiết kế con đường tránh ngôi nhà, hoặc di dời vào bên trong để giữ lại biệt thự.

Hai là, ngành chức năng thương lượng để gia đình chuyển giao quyền quản lý ngôi nhà cho Nhà nước trùng tu bảo quản, chủ biệt thự nhận đất bồi thường ở một địa điểm khác và kinh phí để tái định cư. Ba là, Nhà nước mua lại ngôi nhà cổ, tiến hành tu bổ, tôn tạo toàn diện, xây dựng thành điểm tham quan, tìm hiểu về giá trị kiến trúc nghệ thuật, hoặc nhà trưng bày, triển lãm.

Ông Toại nói: “Giữ lại biệt thự cổ sẽ bảo tồn được giá trị kiến trúc của ngôi nhà, tạo điểm nhấn văn hóa kiến trúc, điểm kết nối du lịch văn hóa trên sông Đồng Nai và các di tích khác, vừa đảm bảo pháp lý trong công tác bảo tồn, vừa khai thác giá trị của công trình trong tương lai”.

Từ năm 2016, Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh Đồng Nai đã nghiên cứu, đánh giá sơ bộ và đề nghị bổ sung nhà lầu ông Phủ vào danh mục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh, sau đó được UBND tỉnh chấp thuận tại Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 23-3-2016 phê duyệt Danh mục thay đổi, bổ sung quy hoạch lộ trình xếp hạng di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2020.

Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh đã nhiều lần đến, liên hệ gia đình để phối hợp lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Tuy nhiên, chủ nhà kiên quyết không đồng ý xếp hạng di tích và ngôi nhà đang có tranh chấp quyền sử dụng, sở hữu giữa các thế hệ sau của gia đình ông Võ Hà Thanh.

Theo bà Lê Thị Ngọc Loan, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai, chiếu theo quy định về Luật Di sản văn hóa, nhà cổ Võ Hà Thanh là một công trình kiến trúc có giá trị về mặt kiến trúc - nghệ thuật cần được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá và kết luận đủ điều kiện lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích.

Tuy nhiên, trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định giữ lại ngôi nhà cổ Võ Hà Thanh cần hết sức thận trọng trong công tác quản lý, khai thác giá trị ngôi nhà, bởi: thứ nhất, đây là tài sản sở hữu cá nhân nên phải có sự thống nhất của đại diện hợp pháp ngôi nhà với cơ quan chức năng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị.

Thứ hai, đánh giá thận trọng việc xếp hạng di tích này và trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể tính toán phương án trưng mua, sau đó tiến hành tu bổ, tôn tạo toàn diện (hiện ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người dân, du khách tham quan) và biến thành điểm du lịch, bảo tàng nghề gốm, bảo tàng nghề đá… Như thế, vừa bảo tồn được giá trị kiến trúc công trình, vừa tránh rắc rối pháp lý có thể xảy ra trong việc khai thác giá trị của ngôi nhà này trong tương lai.

Đối với di tích thành cổ Biên Hòa, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết, bên phải cổng di tích nằm trong quy hoạch xây dựng Trường Tiểu học Quang Vinh và Ban Quản lý dự án TP Biên Hòa đang hoàn thiện hồ sơ để tiến hành thu hồi đất; còn dãy nhà hành chính được Ban Quản lý di tích TP Biên Hòa mượn tạm để làm thư viện, đến tháng 12-2024 sẽ dời về thư viện mới, trả lại mặt bằng cho Sở VH-TT-DL.

Với khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức, dự kiến trong năm 2025, kỷ niệm 200 năm ngày mất danh nhân Trịnh Hoài Đức và phu nhân, UBND TP Biên Hòa có kế hoạch giao Ban Quản lý dự án TP Biên Hòa trình Sở VH-TT-DL điều chỉnh dự án để làm cơ sở chi trả tiền bồi thường và giải tỏa mặt bằng cho các hộ dân, phấn đấu vào tháng 3-2025 sẽ chỉnh trang khu vực phía trước lăng mộ.

Ông Thái Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, vừa có công văn gửi Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Thường trực Thành ủy TP Biên Hòa nội dung liên quan đến việc nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ”.

Ngày 26-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã họp, quyết định giữ lại công trình biệt thự “nhà lầu ông Phủ” và giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của ngôi biệt thự, đồng thời có giải pháp triển khai tuyến đường ven sông Đồng Nai theo đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm các quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục