Thách thức cho an toàn giao thông
Cầu Nam Lý (trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9) được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải phù hợp với mức độ đô thị hóa của khu vực quận 2, quận 9 và đảm bảo yêu cầu giao thông đường thủy ở sông Rạch Chiếc.
Cầu dài 449m, tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng, do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 8-10-2016. Theo kế hoạch, thời hạn thi công 18 tháng, thế nhưng việc thi công kéo dài suốt 3 năm vẫn chưa xong.
Hiện tại, trên công trường xây dựng cầu Nam Lý, khối lượng công việc chỉ mới đạt chừng hơn 40%. Tại công trường thường chỉ có vài công nhân trông coi máy móc, phương tiện cơ giới; bên trong công trường cỏ dại tràn lan. Nhà thầu quây tôn làm rào chắn suốt 3 năm qua, khiến mặt đường hẹp lại, nên vào giờ cao điểm khu vực này liên tục ùn tắc giao thông, kéo dài nhiều giờ liền.
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, ông Lê Văn Mỹ (người dân sống gần cầu Nam Lý) bức xúc phản ánh: “Tuyến đường Đỗ Xuân Hợp nhỏ hẹp, xe tải lại rầm rập qua lại cả ngày, vậy mà nhà thầu làm rào chắn chiếm dụng mặt đường trong thời gian dài”.
Trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công cầu Nam Lý, tại địa bàn quận 2 có 15 hộ, quận 9 có 52 hộ bị ảnh hưởng. Ông Lê Ngọc Hùng, Trưởng ban Điều hành dự án đường bộ 2 (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM), cho hay đơn vị đã tổ chức họp nhiều lần với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 và báo cáo với lãnh đạo Sở GTVT về việc đẩy nhanh tiến độ thi công, lập lại kế hoạch thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cầu Nam Lý, nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan hữu quan, nên dẫn đến việc thi công ngưng trệ.
Bến xe mới chưa biết ngày hoạt động
Bến xe miền Đông mới nằm trên phần đất của quận 9 và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) có tổng diện tích 16ha, được khởi công từ tháng 4-2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (Samco) được TPHCM giao đầu tư xây dựng công trình này.
Đến nay, các hạng mục đầu tư xây dựng giai đoạn 1 đã được Samco thực hiện xong, gồm nhà ga bến xe, bãi xe chờ tài và hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu. Các hạng mục công trình xây dựng đã được Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an TPHCM) kiểm tra, đã có văn bản nghiệm thu PCCC.
Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) cũng đã kiểm tra công trình vào đầu tháng 7-2019 để nghiệm thu toàn bộ dự án và hiện đang chờ văn bản chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối bên ngoài khu vực bến xe được triển khai rất ì ạch. Các công trình từ quốc lộ 1A đi vào cổng chính bến xe vẫn dở dang. Đường Hoàng Hữu Nam, tuyến giao thông chính kết nối từ bến xe ra trục đường D400, cũng chưa được mở rộng. Hệ thống các công trình giao thông chủ lực tại Bến xe miền Đông mới như các cầu vượt 2 đầu bến xe, cầu bộ hành, công trình hầm chui dẫn vào tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để hành khách tiếp cận thuận lợi với bến xe cũng chưa được xây dựng.
Theo lãnh đạo Samco, nếu không có hạ tầng kết nối đồng bộ thì khi bến xe đi vào hoạt động, các phương tiện vận tải trong bến sẽ lưu thông hòa trộn với phương tiện của người dân, dẫn đến nguy cơ va chạm giao thông rất cao.
Một khó khăn khác tại công trình Bến xe miền Đông mới, đó là đến nay Sở GTVT, Sở Tư pháp và Sở KH-ĐT chưa có ý kiến về tính pháp lý đối với việc Samco lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành, kinh doanh khai thác bến xe theo chỉ đạo của UBND TPHCM. Sở GTVT và Sở Tài chính cũng chưa có ý kiến về giá dịch vụ xe ra vào bến, để đơn vị quản lý có thể lập phương án khai thác vận hành.
Cho đến nay, Bến xe miền Đông mới đã 3 lần dời thời điểm đi vào khai thác. Thời điểm này gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu vận chuyển hành khách rất cao nhưng phía Samco vẫn chưa chốt ngày vận hành bến xe mới, khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách rất bị động.