Dự án thành phần 3 có chiều dài 19,5km với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 5.000 tỷ đồng. Hiện đã giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 135,89ha/137,52ha, đạt 99% tổng diện tích phải thu hồi. Trên toàn tuyến, cả 3 liên danh nhà thầu đang đồng loạt triển khai 11 mũi thi công. Trong đó, ở phần thi công đường, nhà thầu đã triển khai đúc cống, đắp nền đường khoảng 10km và thi công cấp phối đá dăm khoảng 4km.
Ông Dương Hồng Quân, Phó Giám đốc điều hành dự án Tập đoàn Sơn Hải (đơn vị thi công), cho biết, tận dụng mùa khô, thời tiết thuận lợi, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ để đến ngày 30-4 sẽ hoàn thành hạng mục đắp đường.
Đảm nhận thi công cầu vượt ngang đoạn Km 43+767, đại diện Công ty CP 479 Hòa Bình cho biết, đơn vị đã huy động gần 100 công nhân và cán bộ kỹ thuật chia “3 ca, 4 kíp” làm việc xuyên ngày đêm và sẽ huy động công nhân làm việc xuyên tết để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt và vượt tiến độ như cam kết với chủ đầu tư. Hiện đơn vị đã hoàn thành công tác chuẩn bị và tổ chức thi công tại các vị trí cầu Suối Nhum tại Km37+489, cầu vượt Hội Bài - Châu Pha tại Km43+050, cầu Suối Đá tại Km45+601, cầu vượt ngang Km43+767 và cầu sông Dinh.
Theo Ban Quản lý các dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư), tổng lũy kế giá trị thi công dự án đến nay đạt khoảng 12%. Năm 2024, dự án được bố trí 500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và đã giải ngân được 115,886 tỷ đồng (tương ứng 23,17%).
Trong khi đó, đoạn thi công qua xã Long Đức (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), trên công trường chỉ lác đác vài công nhân làm việc, đất đá ngổn ngang, nhiều hạng mục “án binh bất động” vì thiếu mặt bằng. Gia đình anh Trần Công Hậu (sinh năm 1970, ngụ khu 13, xã Long Đức, huyện Long Thành) có diện tích 240m2 gồm nhà, đất thuộc diện giải tỏa trắng để triển khai tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa áp giá đền bù, bồi thường và bốc thăm suất tái định cư.
“Mấy tháng nay, nhà thầu đưa máy móc, thiết bị và nhân công thi công các hạng mục khu tái định cư Long Đức tiến độ rất chậm, mới làm một số vị trí phần móng nên các hộ dân thuộc diện giải tỏa rất sốt ruột. Còn khu vực có đường cao tốc đi qua, các hộ dân chưa di dời nên không có mặt bằng thi công”, anh Hậu cho biết.
Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai cũng có diện tích đất cao su nằm trong khu vực dự án tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đã có quyết định thu hồi đất. Theo kế hoạch sẽ cưa cắt cây cao su trong tháng 1-2024 để bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhưng đến nay đơn vị khai thác vẫn chưa cưa cắt cao su trên công trường.
Theo số liệu của Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km, điểm đầu tại Km0+00, kết nối với quốc lộ 1 (tuyến tránh TP Biên Hòa) thuộc phường Phước Tân, TP Biên Hòa và điểm cuối tại Km16+00 thuộc xã Long An (huyện Long Thành) kết nối với điểm đầu dự án thành phần 2. Đến nay đã kiểm đếm 118,59ha/137,6ha (đạt 86,18%) diện tích thu hồi. Còn dự án thành phần 2 đi qua các xã Long An, Long Phước, Phước Bình, Phước Thái và Tân Hiệp (huyện Long Thành) đã hoàn thành công tác kiểm đếm 140,31ha/151,58ha (đạt 92,56%) diện tích thu hồi.
Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị chức năng chi trả tiền đến đâu phải thực hiện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đến đó để phục vụ công tác thi công dự án. Các sở, ngành liên quan phải xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương, đơn vị để thực hiện công việc một cách đồng bộ, hoàn tất việc thu hồi, bàn giao mặt bằng đối với diện tích đất công, đất giao thông, sông suối, đất cao su cho chủ đầu tư.