Dự án cầu Đăk Mét (tại thôn 2, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) được đầu tư với tổng trị giá 4,1 tỷ đồng nhằm giúp hàng trăm người dân khu vực này được đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, khi thi công công trình, đơn vị xây dựng đã tự ý sử dụng cát tận thu trên lòng sông không đúng theo yêu cầu của nhà đầu tư. Lo ngại trước công trình không đảm bảo chất lượng, nhiều bạn đọc đã bức xúc phản ánh đến Báo SGGP.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, dự án cầu Đăk Mét dài khoảng 100m, đang thi công được khoảng 1/3 khối lượng công trình, phần dầm và mặt cầu làm đến giữa lòng sông. Tại khu vực tập kết vật liệu của công trình ngổn ngang bãi đá, cát lẫn lộn với sỏi, đất. Trong đó, một bãi cát lớn hàng chục mét khối được tận thu từ lòng sông còn lẫn đầy đất đá.
Cách đó không xa, một xe múc đang đào đá giữa sông, tạo dòng chảy kết hợp tận thu cát để phục vụ cho việc thi công cây cầu. Trên phần mặt cầu đã đổ xong bê tông, hàng chục vết nứt có chiều dài 30-50cm xuất hiện chi chít. Bên dưới thân trụ đỡ của cầu cũng xuất hiện nhiều vết lỗ chỗ thiếu bê tông, lộ ra những viên đá, sỏi được đơn vị thi công trám lại với dấu vết xi măng vẫn còn mới.
Người dân tại đây cho biết, khi dự án khởi công, nhân dân tại khu vực rất vui mừng vì nơi đây sẽ có cây cầu mới chắc chắn, có tải trọng lớn để di chuyển, không phụ thuộc nhiều vào cây cầu treo khá yếu. Tuy nhiên, khi thấy đơn vị thi công dùng cát tận thu tại lòng sông lẫn nhiều đất đỏ, sỏi, tạp chất, nhiều người lo ngại chất lượng công trình không đảm bảo. Điều này càng đáng lo hơn vì xã Phước Thành là nơi thường xuyên xảy ra lũ quét khi mùa mưa đến. Và thực tế là nơi đây đã từng có một cây cầu bị cuốn trôi khi mưa lũ đổ về.
Trao đổi với PV, ông Mai Xuân Diệp, đại diện Công ty TNHH Thành Trí (đơn vị thi công cầu Đăk Mét) thừa nhận, công trình cầu Đăk Mét có sử dụng cát tận thu tại chỗ không đúng quy định để phục vụ xây dựng công trình. Điều này do cầu tạm ở xã Phước Công (huyện Phước Sơn) bị hư hỏng, khiến xe tải không thể vào mỏ cung cấp cát phục vụ công trình, do đó công ty đã tận dụng nguồn cát tại sông và mua của một hộ dân khai thác cát trái phép trong xã. Về mặt chất lượng công trình, đại điện công ty cho rằng: “Có thể đảm bảo 95%, chứ công trình miền núi khó có thể đảm bảo 100% được!”.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết, trong hồ sơ phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật của công trình này có ghi các loại vật liệu xây dựng phải có nguồn gốc. Như vậy, đơn vị thi công phải sử dụng vật liệu xây dựng mua từ các doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng. “Không những cầu Đăk Mét mà các công trình khác đang thi công trên địa bàn huyện thì vừa qua, UBND huyện cũng nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân về tình trạng tương tự”, ông Trung nói.