Nhu cầu sử dụng quỹ đất ngầm đang gia tăng nhanh chóng nhưng TPHCM vẫn chậm một nhịp, vì chưa có quy hoạch không gian ngầm để làm cơ sở phát triển và quản lý các công trình dưới đất.
Trung tuần tháng 3-2017, Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đã tiến hành lắp đặt thiết bị đào ngầm, sâu 17m dưới lòng đất. Dự kiến trong tháng 5-2017 sẽ bắt đầu khoan ngầm tuyến metro đầu tiên của TP: tuyến số 1 (Bến Thành - depot Long Bình) dài 19,7km, có 2,6km đi ngầm và 3 ga ngầm.
Đại công trường trong lòng đất
Theo dự kiến, TP còn có 7 tuyến metro khác. Tuyến số 2 (Tây Bắc Củ Chi - Thủ Thiêm) dài 48km, có 9,3km đi ngầm và 10 ga ngầm. Tuyến số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) dài 19,8km, có 10km đi ngầm và 10 ga ngầm. Tuyến số 3b (ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước) dài 12,2km, có 9,1km đi ngầm và 8 ga ngầm. Tuyến số 4 (Thạnh Xuân - Hiệp Phước) dài 35,7km, có 16km đi ngầm và 14 ga ngầm. Tuyến số 4b (Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả) và tuyến số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm) đi ngầm toàn tuyến. Tuyến số 5 (Bến xe Cần Giuộc, Long An - cầu Sài Gòn) dài 23km, có 16km đi ngầm và 16 ga ngầm. Nhà ga trung tâm Bến Thành, bên dưới, cũng sẽ có trung tâm thương mại ngầm quy mô 4,5ha.
Thêm vào đó, khu trung tâm hiện hữu của TP 930ha cũng sẽ có 7 bãi đậu xe ngầm theo quy hoạch phân khu 1/2000. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết khu 930ha cũng có nhiều công trình cao ốc xây dựng tầng hầm, với tổng diện tích xây dựng hầm hơn 11ha, hầu hết sử dụng cho mục đích đậu xe, một số dự án sử dụng cho mục đích thương mại. Nhu cầu sử dụng không gian xây dựng ngầm đang ngày càng gia tăng.
Bên cạnh các dự án xây dựng công trình ngầm dưới mặt đất thì TP cũng hướng đến việc hạ ngầm hệ thống kỹ thuật hạ tầng. Vừa qua, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) có văn bản xin chủ trương UBND TP về việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước TP, trong đó có nội dung tái cấu trúc hệ thống mạng lưới.
Đại diện Sawaco cho hay, hệ thống đường ống cấp nước toàn TP đã xuống cấp rất nhiều và chôn khá nông, với tình hình giao thông và mật độ xây dựng dày đặc trên mặt đất như hiện nay thì phương pháp đào hở, chôn nông sẽ không đảm bảo an toàn và chất lượng mạng lưới cấp nước. Phần lớn các nước trên thế giới, hệ thống cấp thoát nước, viễn thông… đều được đưa vào tuynen đi ngầm sâu dưới mặt đất khoảng 20 - 30m. Nếu được TP chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch, Sawaco sẽ thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập phương án tái cấu trúc mạng lưới, trong đó có tính toán phương án hạ ngầm hệ thống đường ống trung tâm.
Tuy nhiên, đại diện Sawaco cũng tỏ ra băn khoăn về việc hạ ngầm đường ống khi TP chưa có quy hoạch không gian ngầm: “Chúng tôi không lo về kỹ thuật vì rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, ngay như dự án metro cũng đang áp dụng kỹ thuật đào tiên tiến. Nhưng việc thiếu thông tin đầy đủ về các công trình đã và sẽ tồn tại trong lòng đất sẽ gây khó khăn cho việc quy hoạch hệ thống đường ống cũng như việc kết nối với các công trình hiện hữu và tương lai”.
Cần “hiểu” lòng đất
Theo ông Nguyễn Đức Toản, Phó Chủ tịch Hội Công trình ngầm Việt Nam, sử dụng không gian ngầm giúp tạo ra các hệ thống vận tải công cộng lớn trong đô thị, vừa an toàn, nhanh chóng, không bị ách tắc lại vừa thân thiện với môi trường. Không gian ngầm có thể cách ly với mọi dạng khí hậu, nhiệt độ trong lòng đất, tạo ra một môi trường nhiệt vừa phải và đồng đều, giúp tiết kiệm năng lượng và bảo quản nhiều loại sản phẩm. Lớp đất phủ có tác dụng chống lại sự truyền tiếng ồn trong không khí, vỏ trái đất có thể hấp thụ chấn động và năng lượng dao động của một vụ nổ. Do đó, nếu xảy ra nổ, phóng xạ nguyên tử và các tai nạn công nghiệp thì công trình ngầm là nơi trú ẩn khẩn cấp có giá trị. Tuy nhiên, để sử dụng quỹ đất đầy tiềm năng này, cần phải hiểu tính chất của nó.
Không gian ngầm đô thị bao gồm 3 phần chính. Thứ nhất là phần ngầm nông sát với mặt đất cấu thành từ các loại đất mềm, đất phù sa hay đất đắp; nhưng chất lượng đất không phải là nhân tố quyết định mục đích sử dụng mà chủ yếu được quy định bởi mục đích sử dụng bên trên. Thứ hai là phần ngầm sâu, chất lượng đất đá là nhân tố quyết định việc sử dụng. Thứ ba là các dải đá gốc, có chất lượng tốt và không chứa nước ngầm nên tạo không gian với các ưu điểm như nằm tại cao độ dễ tiếp cận, trong khi đó dưới ngầm chỉ có thể tiếp cận được bằng các đường dốc, giếng đứng hay cầu thang.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng các công trình ngầm có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng các công trình trên mặt đất. Trên thực tế đã xảy ra nhiều sự cố công trình do xây dựng ngầm mà chưa tính toán hết các thông số địa chất. Địa chất của TPHCM cũng là vấn đề cần đánh giá hết sức thận trọng. Chỉ có một số ít khu vực như quận 1, 3, 10 có nền đất tương đối ổn định, chắc chắn, còn lại đa phần các quận, huyện ngoại vi và ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… có nền đất yếu - các công trình xây dựng trên nền đất loại này có khả năng trượt sạt cao. Ông Lĩnh cũng lưu ý về nguy cơ động đất của TP. Trên bản đồ phân vùng động đất Việt Nam thì toàn bộ phạm vi TPHCM nằm trong vùng động đất cấp VI, cấp VII gây ra bởi động đất mạnh đến 5,5 độ richter. Cường độ chấn động lớn nhất do động đất gây ra tại khu vực TPHCM là cấp 7 theo thang MSK-64 (thang đo cường độ địa chấn)... Do đó, TP cần xây dựng quy hoạch không gian ngầm đô thị dựa trên cơ sở khảo sát, đánh giá điều kiện thủy văn, địa chất.
“Quy hoạch này cũng là cơ sở để cấp phép xây dựng và quản lý các công trình trong lòng đất. Hiện nay, nhà đầu tư nào muốn xây công trình ngầm đều phải khoan lấy mẫu, khảo sát, đánh giá rất tốn kém mà lại không đánh giá hết các tác động vì họ chỉ nghiên cứu trong khu vực họ xây dựng chứ chưa tính được tác động qua lại với các khu vực xung quanh”, ông Lĩnh lưu ý.