Công trình khắc phục sạt lở bị… sạt lở
Trở lại công trình khắc phục sạt lở tuyến đê sông Gành Hào (xã Hòa Tân, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), chúng tôi thấy công trình này càng bị lở thêm so hồi tháng 5-2019, đoạn kè dài khoảng 120m chưa kịp đưa vào sử dụng thì đã bị sạt lở gần hết, hiện chỉ còn lại ở phía hai đầu chiều dài chừng 30m và khó mà đảm bảo không sạt lở vào thời gian tới.
Công trình khắc phục sạt lở tuyến đê sông Gành Hào do Phòng Kinh tế TP Cà Mau làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phòng chống thiên tai với số tiền 800 triệu đồng. Công trình có tổng chiều dài 174m (gồm 2 đoạn), được khởi công vào tháng 12-2018 và dự kiến sau hai tháng sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, khi công trình gần hoàn thành, đơn vị thi công tiến hành đào đất đắp vào trong thân bờ kè thì xảy ra sạt lở. Chỉ trong tháng 5-2019, thì công trình này hai lần xảy ra sạt lở với chiều dài 74m/119m. Trong lúc chờ các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục thì đoạn kè này tiếp tục sạt lở thêm.
Ông Phạm Việt Tiến (nhà gần nơi kè bị sạt lở) cho rằng nguyên nhân sạt lở là do cọc bê tông ngắn, cặm không sâu xuống tới đáy sông, trong khi đó kết cấu bê tông phía trên nặng. “Vì vậy, khi đơn vị thi công đổ đất xuống trong tường kè thì bắt đầu xảy ra sạt lở. Thân kè tự lôi ra thêm phía bờ sông nên sụp xuống nhanh. Trước đây, có sạt lở nhưng ít, từ khi làm kè thì sạt lở thêm”, ông Tiến nói.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến công trình khắc phục sạt lở tuyến đê sông Gành Hào bị sạt lở, ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng Phòng kinh tế TP Cà Mau nói: “Nói chung, nhận định ban đầu là do đất khô tơi xốp, nước chảy xiếc, triều cường dâng cao, vòng xoáy tác động vào kè. Nói về mặt nào đó thì nguyên nhân giống như thiên tai. Không phải tôi làm chủ đầu tư mà nói như vậy, thật sự cũng như thiên tai thôi”. |
Cũng theo ông Ly, khi xác định được nguyên nhân sạt lở thì mới xác định được lỗi các bên (chủ đầu tư, khảo sát thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công).
Cầu bị sập mới “lòi” ra cầu xây bị... dư
Một công trình khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng từng xảy ra sự cố khi mới đưa vào sử dụng, đó là cầu Ô Rô (vốn xây dựng khoảng 6 tỷ đồng) nằm trên tuyến đường ô tô đến xã Đất Mũi. Cây cầu này được thông xe vào đầu năm 2016 nhưng chưa tròn một năm đã bị sập vào giữa đêm.
Theo tổ điều tra sự cố (do Sở GT-VT Cà Mau làm tổ trưởng) thì nguyên nhân chính là do đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công không dự báo được sự thay đổi về điều kiện địa hình, thủy văn tác động bất lợi đến công trình nên đã đưa ra giải pháp thiết kế ban đầu với hệ số an toàn nhỏ. Ngoài ra, chủ đầu tư là UBND huyện Ngọc Hiển không tổ chức, kiểm tra, giám sát thường xuyên trong quá trình thi công nên không phát hiện sự thay đổi lớn của địa hình lòng sông bị xói lở… dẫn đến cầu bị sập.
Ngoài ra, sau khi cầu Ô Rô bị sập thì mới “lòi” ra chuyện xây cầu bị… dư. Kiểm toán Nhà nước (khu vực V) khi kiểm toán tại huyện Ngọc Hiển đã chỉ ra sự chưa phù hợp, đó là gần cầu Ô Rô bị sập khoảng 1,5km có một cây cầu khác (thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh) cũng đi đến trung tâm xã Đất Mũi. Do đó, cầu việc xây cầu Ô Rô là không cần thiết, chưa phù hợp với điều kiện thực tế giao thông tại địa phương.
Chính vì vậy, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tỉnh Cà Mau xem xét phương án điều chỉnh hướng đoạn cuối dự án tuyến đường ô tô đến trung tâm xã Đất Mũi cho phù hợp với hệ thống giao thông hiện có, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng của dự án và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trên cơ sở này, UBND huyện Ngọc Hiển cũng không xây dựng lại cầu Ô Rô mà làm đường từ vị trí cây cầu bị sập nối với tuyến đường Hồ Chí Minh và ô tô cũng chạy “bon bon” về trung tâm xã Đất Mũi. Do đó, chuyện cây cầu Ô Rô đã đi vào… dĩ vãng.