Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, do lũ năm 2020 về muộn và thấp hơn mọi năm nên việc xả lũ cũng muộn hơn khoảng 1 tháng so với năm 2019. Bên cạnh đó, năm nay mực nước ở phía hạ lưu của cống Trà Sư đang ở mức thấp, vì vậy việc xả lũ cống Trà Sư nhằm chủ động điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây, ngăn lũ đổ về phía Nam quốc lộ 91 bảo đảm an toàn sản xuất lúa thu đông.
Trước khi xả lũ cống Trà Sư, ngành chức năng tỉnh An Giang đã liên hệ với tỉnh Kiên Giang và TP Cần Thơ, thống nhất thời gian xả lũ, cùng thông báo cho người dân trong vùng biết, nhằm chủ động đề phòng.
Tại thời điểm xả lũ, mực nước lũ sông Cửu Long dưới báo động 1 và mực nước ở thượng nguồn cống Trà Sư là 2,20m, hạ nguồn cống là 2m, chênh lệch cột nước là 0,2m. Sau khi xả lũ, mực nước nội đồng ở An Giang có khả năng tăng thêm khoảng 0,30m; còn ở TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang tăng thêm khoảng 0,20m; không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân trong vùng; Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, đề nghị chính quyền địa phương và người dân trong vùng Tứ giác Long Xuyên thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, bảo vệ sản xuất nhằm kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra.
Mặt khác, khi các địa phương trong vùng nếu có yêu cầu đóng cống Trà Sư để bảo vệ an toàn đê bao, bảo vệ sản xuất nông nghiệp… thì thông tin ngay về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang nhằm có hướng xử lý kịp thời.
Cũng theo Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, 2 cống Tha La và Trà Sư được xây dựng ở huyện Tịnh Biên nhằm điều tiết lũ của vùng Tứ giác Long Xuyên, thay thế cho 2 đập làm bằng cao su trước đây đã xuống cấp, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 232 tỷ đồng.