Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng: Cánh tay đắc lực của hệ thống y tế cơ sở

HĐND TPHCM vừa thông qua Nghị quyết quy định về mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng (CTVSKCĐ) trên địa bàn TPHCM với kinh phí dự kiến thực hiện trong năm 2024 hơn 99,5 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng để phát triển mạng lưới cộng tác viên trong chăm sóc sức khỏe người dân, là cánh tay nối dài cho hệ thống y tế cơ sở.
Đội ngũ CTV sức khỏe cộng đồng trên địa bàn huyện Cần Giờ tuyên truyền vận động người dân phòng chống dịch bệnh. Ảnh: QUANG HUY
Đội ngũ CTV sức khỏe cộng đồng trên địa bàn huyện Cần Giờ tuyên truyền vận động người dân phòng chống dịch bệnh. Ảnh: QUANG HUY

Nguồn lực cần được ưu tiên

Gặp anh Phạm Văn Phong, ấp An Đông, xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) khi anh đang nhắn tin thông báo trên nhóm Zalo của ấp, nhắc nhớ các bà mẹ trẻ cho con em mình trong độ tuổi từ 6-12 tháng đi uống vitamin A tại trạm y tế xã. Xong việc, anh tiếp tục nhận tờ rơi của nhân viên y tế chuẩn bị xuống từng hộ dân phát cho bà con biết để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Anh Phong chia sẻ: “Hơn 5 năm gắn bó với việc “vác tù và hàng tổng”, vất vả có, thậm chí nhiều khi đột xuất trạm y tế cần mình phải bỏ hết công việc để hỗ trợ… nhưng chưa một lần nề hà, ngán ngại, tất cả vì sức khỏe cộng đồng, làm vui nên chúng tôi tham gia nhiệt tình”.

Còn ông Nguyễn Văn Hóa (ấp Rạch Lá, xã An Thới Đông) cho biết đã trải qua rất nhiều cảm xúc cùng công việc, chỉ mong sao người dân nâng cao được nhận thức trong việc chăm lo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

“Trước đây làm công việc này âm thầm, dù được địa phương hỗ trợ chút kinh phí cũng thấy rất vui. Giờ được thành phố quan tâm, mọi người rất phấn khởi, thêm động lực để chúng tôi hoạt động”, ông Hóa chia sẻ.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, từ nhiều năm qua, số lượng nhân viên y tế tại mỗi trạm y tế dao động 5-10 người, bình quân một trạm y tế phục vụ 30.000 dân (nhiều trạm y tế phục vụ hơn 100.000 dân), ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ Y tế, các trạm y tế còn phụ trách quản lý 20 chương trình sức khỏe: lao, tâm thần, HIV, phong, dân số và phát triển, người cao tuổi, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vệ sinh môi trường, bệnh không lây nhiễm, y tế học đường, tiêm chủng mở rộng, phòng chống Covid-19, truyền thông y tế… Do đó, một nhân viên y tế phải đảm nhận nhiều chương trình mới đáp ứng được nhu cầu công việc dẫn đến không thể gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, không thể chuyển tải được những thông điệp truyền thông đến người dân.

“Với đặc thù là đô thị đông dân cư như TPHCM, mỗi trạm y tế phường xã chịu trách nhiệm quản lý và triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe có thể lên đến hàng chục ngàn dân, đặc biệt có trạm chịu trách nhiệm quản lý sức khỏe cho trên 100 ngàn dân, bên cạnh việc củng cố và nâng cao năng lực trạm y tế thì việc huy động và phát huy hiệu quả của lực lượng CTVSKCĐ là điều không thể thiếu, thậm chí cần được ưu tiên nhất khi triển khai các giải pháp củng cố nguồn nhân lực y tế vốn đã thiếu hụt do nhiều lý do khác nhau ở giai đoạn hậu Covid-19”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.

Chủ trương, chính sách phù hợp

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, thực tiễn ứng phó với đại dịch Covid-19 thời gian qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng cho hệ thống y tế không chỉ của TPHCM mà còn là bài học lớn cho hệ thống y tế cả nước, trong đó khẳng định vai trò và tầm quan trọng của lực lượng các CTVSKCĐ. Điều quan trọng là rất cần có những chủ trương, chính sách phù hợp để duy trì, củng cố và nâng cao năng lực mạng lưới này để họ thực sự là lực lượng y tế tuy không chuyên nhưng không thể thiếu được để triển khai hiệu quả các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Mới đây, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết quy định về mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TPHCM, bắt đầu từ ngày 1-1-2024. Theo nghị quyết này, CTVSKCĐ thuộc TP Thủ Đức và 16 quận được hưởng mức hỗ trợ 500.000 đồng/ người/tháng và CTVSKCĐ thuộc 5 huyện được hưởng mức hỗ trợ là 550.000 đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ BHYT hộ gia đình đối với các trường hợp CTVSKCĐ chưa có thẻ BHYT là 300.000 đồng/ người/năm. Đối tượng áp dụng gồm CTVSKCĐ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, nhiệm vụ chính là phát hiện, theo dõi và báo cáo các trường hợp bệnh tật; giáo dục và tư vấn sức khỏe cho người dân; hỗ trợ trong việc quản lý bệnh tật và giúp tạo ra môi trường sống khỏe mạnh như: hướng dẫn cộng đồng về vệ sinh môi trường, khuyến khích tập thể dục, hỗ trợ cải thiện môi trường sống…

Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, thời gian tới quận tiếp tục đẩy mạnh công tác mời gọi đội ngũ y bác sĩ nghỉ hưu tham gia cộng tác vào các tổ sức khỏe cộng đồng; đồng thời giao trung tâm y tế quận rà soát, lập danh sách đội ngũ này để ngoài mức được nhận hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND TPHCM, quận cũng tìm nguồn hỗ trợ, bồi dưỡng thêm thêm cho đội ngũ cộng tác viên.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc chi hỗ trợ cho lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; chỉ đạo trung tâm y tế huyện xây dựng, mở rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tại cơ sở đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có phương pháp và được quản lý thống nhất để làm cánh tay nối dài của hệ thống y tế cơ sở.

Tin cùng chuyên mục