LTS: Trong lịch sử 90 năm qua, công tác tuyên giáo đã đóng góp quan trọng vào những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tiếp nối truyền thống đi trước - mở đường, đi cùng - phát triển đối với tiến trình cách mạng dân tộc, trong bối cảnh mới với thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, ngành tuyên giáo đòi hỏi sự nỗ lực hơn, bản lĩnh hơn để xây đắp và củng cố niềm tin, định hướng giá trị, xây dựng thế giới quan khoa học cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thúc đẩy hành động tích cực, sáng tạo nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Từ các xu hướng quốc tế
Hiện nay, bối cảnh thế giới tiếp tục xu hướng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực xuất hiện những diễn biến mới, nhanh hơn, phức tạp hơn. Quá trình hình thành trật tự thế giới mới sẽ nảy sinh những diễn biến phức tạp về chính trị, quân sự tại nhiều khu vực và nhiều nước. Toàn cầu hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm biến đổi sâu sắc mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Các nhân tố đe dọa tới an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là việc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, tài nguyên, các loại tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng. Tình hình đó đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nước ta.
Kinh tế thế giới từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại, nhưng lại gặp thách thức lớn do đại dịch Covid-19. Cách thức giải quyết, ứng phó các vấn đề kinh tế - xã hội nảy sinh sau đại dịch đã để lại những kinh nghiệm quý. Hầu hết các quốc gia đều tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế, điều chỉnh phương thức phát triển, tạo cơ hội để nước ta có thể tiếp cận, tiếp thu những thành quả và phát triển theo xu thế chung của nhân loại. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục phát triển năng động, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới, trở thành tiêu điểm cạnh tranh, thu hút sự quan tâm của các nước lớn.
Bên cạnh những thuận lợi trên, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục có những khó khăn, trong đó có suy thoái kinh tế thế giới sau dịch Covid-19. Cuộc chạy đua quyền lực và cạnh tranh về lợi ích giữa các quốc gia đang diễn ra gay gắt và có nhiều động thái mới, chưa lường hết. Cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin - viễn thông, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Xung đột sắc tộc, tôn giáo, xung đột vũ trang với mức độ và quy mô lớn trên thế giới đang diễn ra, nguy cơ chiến tranh lạnh đang tái xuất hiện, tình hình chính trị trong khu vực, tranh chấp ở Biển Đông sẽ có những diễn biến phức tạp mới.
Sự xâm lăng về văn hóa và sức mạnh mềm, sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc... đã ảnh hưởng lớn đối với lĩnh vực văn hóa, đạo đức, lối sống. Sự phát triển của internet toàn cầu thế hệ mới đã dẫn đến nhiều thay đổi trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, thực hiện vai trò cung cấp thông tin, định hướng dư luận, tạo nên lối sống mới. Bối cảnh này dẫn đến 2 xu hướng ngược nhau. Một mặt, những tri thức mới nhất của nhân loại đến với mọi người, làm phong phú, giàu có trí tuệ, nhân cách của mỗi người. Ngược lại, xã hội và các cá nhân phải đối đầu ở cường độ cao hơn, thường xuyên hơn, phạm vi sâu rộng hơn, nội dung phức tạp hơn những tác động tiêu cực, như sự lợi dụng, sự mê hoặc, sự lệch lạc bởi những “điều phi lý”, “sự xuyên tạc có chủ ý” trên mạng internet, các blog cá nhân và xã hội.
Ngoài ra, xu hướng tăng lên của niềm tin tôn giáo là một dự báo rất đáng chú ý. Nó không chỉ có tác động trực tiếp đến tư tưởng chính trị, mà cả lĩnh vực đạo đức, theo chiều thuận và chiều nghịch. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhằm thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, lợi dụng các xung đột, mâu thuẫn trong xã hội để kích động chống phá. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội ở Việt Nam nói chung và công tác xây dựng Đảng nói riêng.
Đến các vấn đề nội tại
Trong suốt 90 năm qua, ở mỗi thời kỳ lịch sử, công tác tuyên giáo luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời là công cụ hữu hiệu để xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương, công tác tuyên giáo có nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Trong quá trình đó, nhiệm vụ nghiên cứu, bổ sung, phát triển và tuyên truyền, quảng bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng, góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống. Trên cơ sở đó, Đảng ta, với nòng cốt là đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, đưa đất nước phát triển đi lên.
Ở trong nước, quá trình gần 35 năm đổi mới đã tạo ra cho Việt Nam thế và lực mới với những thành tựu hết sức to lớn, rất quan trọng về phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, mở rộng và hội nhập quốc tế. Thành quả và những kinh nghiệm, bài học thành công, chưa thành công chính là những tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Đất nước đã có nhiều đổi thay tích cực, song bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư, chênh lệch về thu nhập giữa các tỉnh thành cũng bị nới rộng. Những hệ quả tất yếu của bất bình đẳng về thu nhập và tài sản sẽ dẫn đến bất bình đẳng về mặt xã hội. Sự chênh lệch về mức sống giữa nhiều người có chức, có quyền, có tiền, trong đó có một bộ phận cán bộ, đảng viên, với số đông quần chúng nhân dân đang dần trở thành mâu thuẫn gay gắt trong xã hội. Sự phân tầng xã hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức, tâm trạng, đạo đức, lối sống của con người, nhất là đối với công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức hiện nay. Đây là những thách thức, nguy cơ đối với đất nước trong những năm tới nói chung và với công tác tuyên giáo trong việc đóng góp vào công tác xây dựng Đảng nói riêng.
Nhìn tổng thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030, quá trình đổi mới của nước ta đang và sẽ chịu tác động nhiều chiều, nhiều hướng, với nhiều cấp độ. Cơ hội và thách thức đan xen; thời cơ có nhiều, song khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, cao hơn, phức tạp hơn đang và sẽ đặt ra đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải có quyết tâm chính trị và sự phấn đấu mạnh mẽ hơn, tận dụng được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chuyển thách thức thành thời cơ để tiếp tục phát triển, tiếp tục xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.
Ngành tuyên giáo phải hướng tới mục tiêu tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Đảng về các vấn đề chính trị, tư tưởng văn hóa, khoa giáo nhằm góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, bảo vệ, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tư tưởng, giáo dục cán bộ, đảng viên trước yêu cầu mới; triển khai tích cực các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng... |