Sáng 23-12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tới các điểm cầu tại tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Tham gia tại điểm cầu chính ở Hà Nội có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC Trình bày báo cáo tại hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư với tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, tác động đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, có thời điểm nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của công tác tuyên giáo. Tuy nhiên, toàn ngành tuyên giáo đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tích cực đổi mới phương thức hoạt động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được đề ra và tạo những dấu ấn nổi bật:
Thứ nhất, chủ động, sớm tham mưu cấp ủy tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bằng hình thức trực tuyến. So với các nhiệm kỳ trước, việc tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho cán bộ chủ chốt bằng hình thức trực tuyến ngay sau Đại hội là sự đổi mới, sáng tạo của ngành tuyên giáo, mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo đó, Nghị quyết được truyền đạt đến cán bộ, đảng viên sớm, nhanh nhất; số lượng đảng viên được học tập, quán triệt Nghị quyết lớn nhất từ trước tới nay, với 1.022.037 người, ở 7.903 điểm cầu; nhiều đảng viên ở cơ sở và đặc biệt, có cả các đảng viên ở nước ngoài cùng lúc được học tập, quán triệt nghị quyết với cấp tỉnh và Trung ương; tiết kiệm được kinh phí so với việc tổ chức học tập bằng hình thức trực tiếp.
Đồng chí Lại Xuân Môn trình bày cáo cáo tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC Thứ hai, toàn ngành đã tham mưu cấp ủy tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, bảo đảm nghiêm túc, thực chất và tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng - chuyên đề năm 2021. Việc tổ chức thành công hội nghị sơ kết 5 năm và quán triệt, học tập Kết luận số 01-KL/TW là cơ sở quan trọng để toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh, đưa việc học tập và làm theo Bác thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên, gắn với các phong trào thi đua, cải cách hành chính, xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và các năm tiếp theo.
Thứ ba, chủ động, tích cực tham gia, góp phần quan trọng vào thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Ban Tuyên giáo Trung ương đã sớm ban hành các kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo, định hướng tuyên truyền cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 một cách toàn diện, đồng bộ, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong xã hội, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân; thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội xoay quanh cuộc bầu cử, kịp thời định hướng dư luận và phản ánh cho các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề phát sinh; tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá cuộc bầu cử, tạo môi trường lành mạnh để góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Thứ tư, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức thành công hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với quy mô lớn sau 75 năm, kể từ hội nghị văn hóa năm 1946, thể hiện sự chủ động, sáng tạo trong việc triển khai đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Sau hội nghị, ngành tuyên giáo đang tích cực quán triệt, tuyên truyền những nội dung cơ bản của hội nghị và kết luận chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư đến cán bộ, đảng viên và nhân dân và tổ chức thực hiện.
Thứ năm, toàn ngành đã thể hiện rõ vai trò là một trong những mũi nhọn quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động tham mưu cấp ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận, đồng lòng trong xã hội với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thường xuyên nắm tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như tình hình tư tưởng, dư luận xã hội để tham mưu cấp ủy các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; chăm lo sức khỏe, điều trị, bảo vệ tính mạng người bị nhiễm Covid-19, giải quyết những vấn đề tâm lý, tâm trạng xã hội.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC Đồng chí Lại Xuân Môn cũng cho biết, tuy đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được hệ thống chính trị và dư luận đánh giá cao, nhưng công tác tuyên giáo trong năm 2021 vẫn còn một số hạn chế.
Đó là tiến độ tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương ở một số cấp ủy và chi bộ cơ sở còn chậm, chất lượng chưa cao; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa thể hiện được vai trò, sự quan tâm sát sao của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, dẫn đến tình trạng tổ chức triển khai thực hiện còn chậm, chưa kịp thời, chưa sát thực tế; chất lượng, hiệu quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa cao.
Vẫn còn không ít vấn đề lý luận, thực tiễn chưa được luận giải thấu đáo và làm sáng tỏ để góp phần phát triển, hoàn thiện đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, làm cơ sở tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động; công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 ở một số nơi chưa sâu, chưa đồng bộ; có lúc công tác dự báo và triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chưa theo kịp với những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện các gương điển hình, các mô hình hay, cách làm hiệu quả của các địa phương, đơn vị để tuyên truyền, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng còn ít; việc tham mưu giúp các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa ở một số nới còn chưa được chú trọng, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí trong một số trường hợp, nhất là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm có lúc chưa kịp thời, còn chưa quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ dẫn tới làm chậm sự lan tỏa của các thông tin dẫn dắt dư luận xã hội.
Việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là các tạp chí điện tử thuộc các hội nghề nghiệp vẫn còn là vấn đề gây dư luận xấu trong xã hội và giới báo chí; việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm phát sinh ở cơ sở có lúc, có nơi chưa kịp thời; công tác tham mưu chỉ đạo, định hướng hoạt động, tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, liên quan đến vụ việc phức tạp nảy sinh tại một số địa phương, một số thời điểm chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; công tác quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế…
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Theo đồng chí Lại Xuân Môn, năm 2022, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2026.
Dự báo tình hình thế giới, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chính sách, cạnh tranh chiến lược ở nhiều khu vực trên thế giới. Kinh tế thế giới tăng trưởng không đồng đều, chưa vững chắc và dự báo thấp hơn năm 2021; rủi ro bất ổn kinh tế tiếp tục gia tăng; đại dịch Covid-19 có thể xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm, phức tạp hơn, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế ở các nước. Tình hình Biển Đông tiếp tục tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định. Ở trong nước, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh của hệ thống chính trị tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu, nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách căn bản. Rủi ro lạm phát, thiên tai, mất mùa, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... luôn là nguy cơ tiềm ẩn. Các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị tiếp tục các hoạt động chống Đảng và Nhà nước...
Trên tình hình đó, về phương hướng nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Lại Xuân Môn cho biết, toàn ngành tuyên giáo tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tăng cường hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, chủ động, kịp thời tham mưu các cấp ủy chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực của công tác tuyên giáo, góp phần quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diến biến”, “tự chuyển hóa”, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và đồng thuận xã hội về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; cổ vũ, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội các đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo chương trình, sau các tham luận, đồng chí Võ Văn Thưởng sẽ có phát biểu quan trọng, chỉ đạo tại hội nghị.
TRẦN BÌNH