Năm 2019, điểm nổi bật rõ nét của công tác Tuyên giáo là tính chủ động, nhạy bén, sáng tạo, sâu sát thực tế, không né tránh những vấn đề mới, khó trong đời sống chính trị, xã hội.
Ngày 23-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí đại diện thường trực các tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí…
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao hội nghị sáng 23-12. Ảnh T.B Trình bày báo cáo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Phuông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: sau một năm nhìn lại, đối chiếu với chương trình công tác trọng tâm và kế hoạch của ngành Tuyên giáo, toàn ngành đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành một khối lượng lớn công việc.
Toàn ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy giao đột xuất, trong đó có một số nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, chưa có trong tiền lệ; qua đó góp phần vào việc ổn định tình hình chính trị, tư tưởng để đất nước hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2019; nâng cao vị thế, uy tín của ngành Tuyên giáo, tạo tiền đề quan trọng để toàn Ngành bước vào năm 2020 với khí thế mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, thiết thực chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Toàn ngành Tuyên giáo đã tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận chính trị; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch. Ban tuyên giáo các cấp ngày càng chủ động hơn, có nhiều chuyển biến tích cực trong việc chuẩn bị tài liệu phục vụ tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tiếp tục phát huy ưu thế của hình thức trực tuyến; đổi mới giải pháp để nâng cao chất lượng học tập, tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đồng chí Võ Văn Phuông trình bày báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại hội nghị. Ảnh T.B Theo đồng chí Võ Văn Phuông: Năm 2019, điểm nổi bật rõ nét của công tác Tuyên giáo là tính chủ động, nhạy bén, sáng tạo, sâu sát thực tế, không né tránh những vấn đề mới, khó trong đời sống chính trị, xã hội. Công tác thông tin, tuyên truyền được chủ động thực hiện; định hướng kịp thời tư tưởng chính trị, dư luận xã hội.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động ban hành các hướng dẫn, tài liệu, đề cương tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tuyên truyền bài bản, kịp thời, chính xác, không để xảy ra sai sót về các sự kiện chính trị quan trọng trong nước và quốc tế, các hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần định hướng tư tưởng chính trị, dư luận xã hội.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương thực hiện 14 đề án liên quan đến các vấn đề quan trọng trên lĩnh vực tuyên giáo và phục vụ việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Đảng. Đây là năm có số lượng đề án nhiều nhất trong 4 năm qua của nhiệm kỳ Đại hội XII. Các đề án được tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, bảo đảm tiến độ và chất lượng tiếp tục được nâng lên; các nội dung đề xuất, kiến nghị, nhiệm vụ, giải pháp mà các đề án đề ra có tính thiết thực, khả thi, có tác dụng tháo gỡ khó khăn, định hướng cho công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sáng tạo và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được phát huy một cách mạnh mẽ.
Ngay đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều Ban Tuyên giáo cấp ủy đã tham mưu tổ chức cuộc gặp của Ban Bí thư, lãnh đạo cấp ủy với đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, động viên, khích lệ văn nghệ sĩ, trí thức sáng tạo, cống hiến cho đất nước, địa phương.
Quang cảnh hội nghị sáng 23-12. Ảnh T.B Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế của công tác tuyên giáo trong năm 2019. Đó là, tính dự báo, phát hiện các vấn đề phức tạp, các xu hướng vận động trong diễn biến tư tưởng chính trị, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa thực sự chủ động, tính nhạy bén chưa cao. Sự phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện, nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị, dư luận xã hội trong các giai tầng xã hội chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mới ở những vụ việc, sự kiện cụ thể. Chất lượng công tác giáo dục chính trị, học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng có lúc, có nơi chưa cao; còn một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác, gương mẫu trong học tập nghị quyết; việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa kịp thời, chưa quyết liệt; việc tuyên truyền đưa nghị quyết Đảng đến với đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân, công nhân chưa đạt hiệu quả cao.
Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, vẫn còn có một số bài báo, ấn phẩm tính chính trị, tính tư tưởng không cao, thậm chí gây ảnh hưởng đến công tác đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội; biểu hiện “thương mại hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí chưa được chấn chỉnh hiệu quả.
Công tác định hướng hoạt động văn hóa, văn nghệ, khoa giáo có mặt chưa kịp thời, vẫn phát sinh nhiều vụ việc, vấn đề “nóng” trong văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường. Sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân có nơi còn thiếu thường xuyên, chưa hiệu quả.
TRẦN BÌNH