Công tác Tuyên giáo của Đảng - 90 năm chặng đường vẻ vang
SGGPO
Công tác Tuyên giáo đã tạo được sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sáng 15-7 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác Tuyên giáo của Đảng - 90 năm chặng đường vẻ vang: Thành tựu và Tầm nhìn”.
Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Văn Phuông, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Ngoài ra tham dự hội thảo còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Đồng chí Võ Văn Thưởng và Phó Thủ tướng Vũ Đam cùng các đại biểu tham quan triển lãm 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng tại hội thảo. Ảnh: T.B
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Võ Văn Phuông cho biết, để tổng kết, đánh giá lại những chặng đường 90 năm qua, tiếp nối truyền thống vẻ vang, xác lập tầm nhìn và sứ mệnh cho giai đoạn tới, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học quan trọng này.
Hội thảo tập trung vào các nội dung chủ yếu: Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, thành tựu, những dấu mốc quan trọng của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng 90 năm vẻ vang của Đảng; trong đó, tập trung vào phân tích những đóng góp nổi bật qua 35 năm đổi mới, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Cụ thể hóa, làm rõ những đóng góp quan trọng của công tác tuyên giáo trên các mặt, các lĩnh vực; cũng như lắng nghe kinh nghiệm thực tiễn từ các ban, bộ, ngành, địa phương...
Phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện công tác tuyên giáo; Phân tích bối cảnh, tình hình mới, dự báo các yếu tố, nhìn rõ những thuận lợi cần phát huy và thách thức, khó khăn cần vượt qua; Đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả để ngành Tuyên giáo tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong giai đoạn mới.
Đồng chí Võ Văn Phuông phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: T.B
Các ý kiến tại hội thảo đã khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta trong 90 năm qua. Đặc biệt, công tác Tuyên giáo đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp đổi mới và đã đạt được nhiều thắng lợi.
Sự đóng góp của công tác Tuyên giáo được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nổi bật, như: tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, công tác tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương đã có sự chuyển biến sâu sắc và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.B
Bên cạnh việc đánh giá về sự trưởng thành, lớn mạnh của ngành Tuyên giáo qua 90 năm xây dựng và phát triển, các ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm và những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tuyên giáo trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong giai đoạn mới.
Nhà báo Hà Đăng trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh T.B
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo lãnh thành Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương nhấn mạnh, công tác lý luận của Đảng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng của công tác Tuyên giáo nói riêng và của công tác xây dựng Đảng nói chung. Đảng ta chủ trương xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên cả 5 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và phong cách lãnh đạo. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng là bao gồm cả tư tưởng và lý luận, hai mặt đó gắn bó hữu cơ với nhau mà lý luận luôn có vai trò tiên phong.
Những thành tựu quan trọng về lý luận mà Đảng ta đạt được qua gần 35 năm đổi mới là đã hình thành được một hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, làm cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Đạt được những thành tựu quan trọng nêu trên là nhờ công tác lý luận của Đảng đã nghiêm chỉnh thực hiện những định hướng nghiên cứu do Trung ương Đảng đã vạch ra, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.
Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Trung ương về công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Vì vậy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương hết sức chú ý, thông qua nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, vẽ nên một bức tranh trung thực về công tác tư tưởng - lý luận mấy chục năm qua và có những đề xuất, kiến nghị với Trung ương nhằm phát huy hơn nữa thành tựu, khắc phục những hạn chế, bất cập, tăng cường hơn nữa hiệu lực và hiệu quả công tác. Có như vậy, công tác tư tưởng, lý luận mới luôn xứng đáng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị và tinh thần của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng; khẳng định và nêu cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức, thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.B
Tham luận về việc thực hiện quy hoạch báo chí và quản lý báo chí, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, đã có một thời gian dài chúng ta quan niệm nhiều cơ quan báo chí là thể hiện sự tự do, nên tổ chức nào cũng có cơ quan báo chí, hội quần chúng cũng có cơ quan báo chí khi mà điều kiện cơ sở hạ tầng còn không có. Từ đó dẫn đến bản thân các cơ quan báo chí tiết kiệm nguồn chi, chỉ dùng cộng tác viên, không tuyển phóng viên. Có cơ quan báo chí chỉ có 3-4 người lãnh đạo. Rồi phóng viên chỉ đi tìm các đề tài “câu view”. Không có kinh phí để đi tìm hiểu nên cộng tác viên chỉ ngồi một chỗ "xào" tin. Lâu nay, tư duy quản lý báo chí là chỉ quản lý về nội dung. Nhưng trong thời buổi này, cần quan tâm đến nhiều nội dung, chính sách khác.
Một thực tế hiện nay là nguồn phóng viên không được các cơ quan báo chí quan tâm đúng mức. Trước đây báo chí gần như chỉ học ở trường Đảng, nhưng gần đây lỏng lẻo, học ngành nào cũng có thể làm báo. Vấn đề tuyển dụng thì phải bồi dưỡng, tập huấn như thế nào để thực sự là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Qua kiểm tra, có sinh viên mới ra trường, không học báo nhưng viết vẫn được khen viết hay, trôi chảy. Nhưng thực tế bên trong thì anh này không hiểu rõ báo chí nên về sau sinh tiêu cực…
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, hiện này, Bộ TT-TT đang xây dựng một số cơ chế chính sách để hỗ trợ cơ quan báo chí. Chúng ta thường nói báo chí phải là công cụ tư tưởng của Đảng, cơ quan tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, nhưng trong thực tế chính sách về thuế chúng ta ứng xử với các cơ quan báo chí như doanh nghiệp. Nếu chúng ta xác định báo chí là sản phẩm trong dịch vụ đặc thù có liên quan công tác tư tưởng văn hoá thì phải có chính sách ứng xử với báo chí cho phù hợp.
Trước đây một số cơ quan báo chí theo hướng cấp phát kinh phí, chúng tôi nghiên cứu theo hướng đặt hàng, nhưng quả thật việc đặt hàng trong báo chí cũng có đặc thù riêng, ví dụ liên quan định mức kinh tế, kỹ thuật ra sao, đơn giá sao thì trước đây không để ý. Xác định báo chí là công cụ tin tưởng của đảng, sản phẩm mang tính chất đặc thù, liên quan tư tưởng đạo đức lối sống thì phải có ứng xử, chính sách kinh tế phù hợp với báo chí.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh T.B
Trong tham luận tại hội thảo, đồng chí Lê Văn Minh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, là đô thị lớn, TPHCM luôn xác định đảm bảo an ninh quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu nên thường xuyên đấu tranh phòng chống các luận điệu phản động. Vì vậy việc dự báo phải chủ động, nhận định đánh giá tình hình phải chính xác, phải xác định phương pháp đúng, phương pháp phối hợp phù hợp, rõ ràng. Trong đó, cần phát huy hết các công cụ làm công tác thông tin, tuyên truyền trong đó báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Báo chí phải hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đưa tin chính xác đúng đắn, liều lượng phù hợp, thông tin phải nhiều chiều, chuyên trang chuyên mục phải được đầu tư. Việc cung cấp thông tin cho báo chí phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác, không để tình trạng “né báo chí”.
Phải lan tỏa thông tin tích cực, chính thống trên nhiều phương tiện thông tin truyền thông, cổ động trực quan, trên internet và nhất là trên mạng xã hội. Cần có đề án, kế hoạch xác định rõ nội dung, phương pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho chính đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị, xã hội. Phải phòng chống suy thoái ngay từ trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị. Cần có quy định đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về chuẩn mực sử dụng mạng xã hội có tính đồng bộ từ trung ương đến tỉnh, thành phố và cơ sở, kết hợp việc áp dụng, thực hiện các quy định của trung ương về xử lý các vi phạm, trong đó cần nhất sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt thực hiện của địa phương, cơ sở.