Qua việc đội nón bảo hiểm

Công tác tư tưởng cần đi vào chiều sâu

Đọc bài Vai trò của công tác tư tưởng qua phong trào đội nón bảo hiểm trên Báo SGGP số ra ngày 31-12-2007, tôi hoàn toàn nhất trí với sự đánh giá của Trung ương Đảng: “Tư tưởng tích cực được mở rộng là xu hướng chủ đạo, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc ta trong thời kỳ mới”. Tôi cũng đồng tình với tác giả Hồ Thanh Khôi: “Nhìn quang cảnh trên đường, trẻ già, gái trai, người đi xe máy đến anh chạy xe ôm, xe ba gác đều chấp hành đội nón bảo hiểm mà lòng người cảm thấy niềm vui, niềm tự hào…”. Đúng như tác giả nhận định, đó là kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục rất chu đáo, liên tục.

Nhưng phải chăng cần có sự đánh giá đúng mức, đi vào thực chất của việc đội nón bảo hiểm. Một ngày trước khi chỉ thị về đội nón bảo hiểm phải thực hiện, TP Hà Nội đưa ra con số cảnh báo: 78% nón bảo hiểm được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn. Còn ngay trong ngày 15-12-2007, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM công bố đã tiếp nhận 58 trường hợp tai nạn giao thông, trong đó có 39 trường hợp ảnh hưởng tới vùng đầu, còn 19 trường hợp không bị ảnh hưởng.

Như vậy, ta không nên quá lạc quan với con số 98% hay 100% người dân đã đội nón bảo hiểm! Báo SGGP số ra ngày 28-12-2007 cũng có nhận xét: “Có thể sẽ còn một bộ phận không nhỏ đội nón bảo hiểm do sợ bị xử phạt hơn là tự giác”. Đúng vậy, vì thiếu tự giác nên không ít người tự bằng lòng bằng việc đội những chiếc nón chất lượng kém nhưng đội vào “nhẹ đầu”, đội nón bảo hiểm không đúng quy cách nên khi bị tai nạn giao thông là nón vỡ, vùng đầu bị ảnh hưởng. Cho nên vui đấy, nhưng niềm vui vẫn chưa thể trọn vẹn. Công tác tư tưởng cần tiếp tục một cách kiên trì, xây dựng động cơ chính đáng, làm cho từng người dân nhận thức đúng: đội nón bảo hiểm vì chính sinh mạng của mình!

Như vậy, nhiệm vụ của công tác tư tưởng trong thời gian tới còn rất nặng nề. 

TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ
(Đảng bộ Q. Phú Nhuận)

Tin cùng chuyên mục