Sáng 14-4, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng năm 2020 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2021.
Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM…
Thi đua phải hướng đến vấn đề được người dân quan tâm
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên ghi nhận, biểu dương những kết quả tích cực, to lớn mà phong trào thi đua của thành phố đạt được trong năm qua.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, sinh thời, Bác Hồ kính yêu rất coi trọng công tác thi đua khen thưởng. Thấm nhuần tư tưởng này, công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua của thành phố mang tên Bác không ngừng đổi mới và ngày càng phát triển, lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, trong đời sống xã hội. Nội dung, hình thức thi đua ngày càng phong phú, sinh động, góp phần động viên sức mạnh to lớn của khối đoàn kết toàn dân chung tay xây dựng và phát triển TPHCM.
Đồng chí còn bày tỏ vui mừng vì phong trào thi đua của TPHCM ngày càng thiết thực, sâu sát đời sống thực tiễn với những mô hình sinh động, hiệu quả rộng. Đặc biệt, từ các phong trào thi đua sôi nổi đã ghi nhận được ngày càng nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp trong đời sống xã hội.
“Chúng ta cũng rất cảm kích sự chung tay, đồng lòng của mọi người dân TPHCM. Đó là sự đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, hỗ trợ nhau, dìu dắt giúp đỡ nhau giữa lúc thiên tai và dịch bệnh” đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ và đánh giá, sự truyền thông kịp thời đã góp phần quan trọng trong việc khơi dậy, động viên, cổ vũ phong trào thi đua. Việc truyền thông rộng rãi, lan nhanh, vang xa các cuộc thi, hoạt động cùng những tấm gương điển hình tiên tiến tạo ra không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp TPHCM. Điều này góp phần tạo thêm năng lượng tích cực trong xã hội, thúc đẩy phong trào hành động cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân.
Đề cập những công việc trọng tâm, cấp bách và lâu dài cùng những khó khăn, thách thức của TPHCM cần giải quyết, đồng chí Nguyễn Văn Nên gợi mở nhiều vấn đề để phong trào thi đua, khen thưởng là động lực thúc đẩy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao theo kế hoạch đề ra.
Theo đó, phòng trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của TPHCM và khơi dậy lòng yêu nước, ý chí vươn lên của mọi người dân, của mỗi cán bộ, công chức, người lao động, cán bộ chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang, hướng đến tiêu chí thiết thực, hiệu quả và lan ra toàn xã hội. Trước hết, trong hệ thống chính trị, với tinh thần mỗi tập thể, mỗi cá nhân phải làm đúng và làm tốt việc của mình; phải tự đổi mới mình, nỗ lực đổi mới hằng ngày, khắc phục, vượt qua khó khăn từng việc.
Đồng thời, phong trào thi đua phải thiết thực, hướng đến những vấn đề có ý nghĩa, được người dân quan tâm, gắn với những mục tiêu, nhiệm vụ chính trị cụ thể của TPHCM. Theo đồng chí, trước hết tập trung vào phong trào thi đua xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và phát huy ý chí vươn lên của đội ngũ cán bộ công chức; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dấn thân vì lợi ích chung, khuyến khích đổi mới tư duy, phong cách để vượt qua chính mình.
Hình thức thi đua cần đa dạng hơn
Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý tập trung vào những nội dung thi đua cụ thể, như thực hiện chủ đề năm của TPHCM: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư ”; thúc đẩy thi đua sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng và phát triển cuộc cách mạng 4.0, hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội lan tỏa đến nhiều ngóc ngách đời sống xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Nên gợi mở, hình thức thi đua cần thực hiện đa dạng hơn và chú ý đến không gian mạng. Bởi lẽ, một tấm gương người tốt, một hành động tử tế, một việc làm có ích được đưa lên mạng xã hội là sau đó có hàng loạt lượt chia sẻ, bình luận theo hướng tích cực. Điều đó đòi hỏi, công tác thi đua cần hướng về khu vực này để lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh dẹp thông tin tiêu cực.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, giữa cuộc sống hối hả với bộn bề lo toan hiện còn có nhiều nghịch cảnh và còn có người gặp khó khăn mà chưa phát hiện hết. Song, qua đó cũng sẽ xuất hiện nhiều người tốt, có lòng nhân hậu, sự tử tế một cách lặng lẽ, âm thầm. Họ luôn sống tốt, làm tốt nhưng không phải làm để được khen thưởng. Điều đó đòi hỏi cần phải phát hiện kịp thời những tấm gương ấy và chia sẻ, tiếp sức để họ sống cuộc đời thanh cao, ý nghĩa.
“Trách nhiệm của chúng ta là phải làm sao phát hiện kịp thời và tôn vinh họ, với mong muốn cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, cho TPHCM mình ngày càng văn minh và ngày càng giàu đẹp hơn”, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tính thực chất, hiệu quả của các phong trào thi đua, đồng chí Nguyễn Văn Nên còn yêu cầu công tác khen thưởng cũng phải thật sự đổi mới. Khen thưởng phải kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng thành tích, đồng thời phải công khai, công bằng, dân chủ, đúng quy trình thủ tục, đảm bảo đảm tôn vinh có tác dụng nêu gương, giáo dục và có sức lan tỏa trong xã hội.
“Một người công nhân vệ sinh đường phố mà làm đúng, làm tốt công việc được giao thì vẫn xứng đáng được khen thưởng. Ngược lại, một anh cán bộ lãnh đạo không làm đúng, không làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình thì chúng ta chê. Đó là chuyện bình thường, chứ không phải chỉ lãnh đạo mới được khen”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Đồng chí chia sẻ với những khó khăn của đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng và cũng kỳ vọng lực lượng này tiếp tục phát huy, rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo đồng chí, cán bộ làm việc này là vì chức nghiệp, chứ không phải chức vụ. Tức là phải đi tìm, phát hiện, kêu gọi và làm thủ tục tôn vinh kịp thời những điển hình tiên tiến, thay vì đợi người ta tìm đến; thậm chí phải “có cái gì đó” rồi mới khen, tình huống này, nếu xảy ra là hoàn toàn không chấp nhận được.
12 nội dung thi đua trong năm 2021
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, TPHCM trải qua một năm 2020 đầy khó khăn và thử thách do tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các phong trào thi đua như một động lực giúp TPHCM vượt qua các trở ngại khó khăn và thách thức. Điều đó đã góp phần to lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2021 thì phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đồng chí cam kết chỉ đạo tổ chức thực hiện để phong trào thi đua mang tính đột phá, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM chính thức phát động đợt thi đua cao điểm thực hiện công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 lập thành tích chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2021) và kỷ niệm 45 năm ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định mang tên TPHCM (2-7-1976 – 2-7-2021), với 12 nội dung cụ thể.
TPHCM cũng phát động thi đua để tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của TPHCM gồm các dự án: giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)… hoàn thành các dự án: nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh; xây dựng hệ thống thoát và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè); nâng cấp mặt đường và xây dựng hệ thống thoát nước Hương Lộ 11 (huyện Bình Chánh)…
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thông tin, năm 2020, TPHCM đã hoàn thành thắng lợi 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. TPHCM đã đạt 54/56 xã được UBND TPHCM công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4/5 huyện được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn TPHCM đã huy động được 33.848 hộ dân hiến gần 3,2 triệu m² đất, ước kinh phí gần 2.320 tỷ đồng; huy động cộng đồng chung sức xây dựng 2.290 tuyến hẻm, tổng chiều dài hơn 339km với kinh phí gần 902 tỷ đồng.
Dịp này, ban tổ chức cũng đã tuyên dương khen thưởng cấp Nhà nước và cấp TPHCM. Trong đó, Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 2 tập thể (Công ty CP Thực phẩm Cholimex và Nhà máy nước Thủ Đức, thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn); 3 cá nhân (Hoạ sĩ Đặng Ái Việt, Hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM; Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân; Võ Tấn Thịnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Cáp điện Thịnh Phát); danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 tập thể (gồm: Đơn vị Bảo đảm chiến đấu A20-A30, F100, Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Đội biệt động 65, F100, Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định). |
Đề xuất phân cấp, ủy quyền với 28 nội dung cho TP Thủ Đức Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, với mục tiêu xây dựng “TP Thủ Đức trở thành khu đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng cuộc sống tốt; văn minh, hiện đại, nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững”, UBND TP Thủ Đức tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, TP Thủ Đức tập trung duy trì tốt việc thực hiện giải quyết hồ sơ hành chính, đảm bảo không bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Cùng với đó, rà soát các dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để đẩy nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng và thi công hoàn thiện công trình. Để chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương, TP Thủ Đức phối hợp với đơn vị liên quan rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để TP Thủ Đức phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, TP Thủ Đức đề xuất các nội dung phân cấp, ủy quyền để được chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại địa phương với 28 nội dung liên quan đến tài chính, đầu tư; thuế; thu hồi, tạo quỹ đất, bồi thường, tái định cư; quy hoạch; chính sách đầu tư phát triển… |