Trong khuôn khổ phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 8, chuẩn bị bước đầu cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nhận định, sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp.
Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết với sự đồng thuận rất cao, trong đó có 1 luật và 5 nghị quyết được 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành. Các hoạt động tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đánh giá phiên chất vấn là một điểm nhấn của kỳ họp, ông Lê Quang Tùng nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, đã có 215 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 136 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 18 lượt đại biểu tranh luận.
Nội dung chất vấn thiết thực, có tính thời sự, sát thực tiễn đời sống, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Lê Quang Tùng, vẫn còn tình trạng chương trình kỳ họp được điều chỉnh một số lần, trong đó có những nội dung được bổ sung trong thời gian rất gấp, làm cho các cơ quan của Quốc hội bị động trong việc tổ chức thẩm tra, các đại biểu Quốc hội gặp khó khăn trong nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến phát biểu…
Một số nội dung vẫn chưa bảo đảm thời gian gửi tài liệu theo quy định; thậm chí gửi ngay sát phiên thảo luận như dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở; nội dung về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
“Bên cạnh đó, khá nhiều hồ sơ, tài liệu trình kỳ họp được đóng dấu mật trong khi nội dung có thể cân nhắc không nhất thiết phải xác định độ mật, làm ảnh hưởng đến công tác thẩm tra và nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội”, Tổng Thư ký thẳng thắn nêu rõ.
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức theo 2 đợt (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Dự kiến Quốc hội sẽ làm việc 26 ngày, trong đó đợt 1 chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn. Đợt 2 chủ yếu Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, một trong những yếu tố rất thuận lợi tại kỳ họp thứ 8 là Bộ Chính trị đã nghiên cứu, chỉ đạo rất sâu sát, chi tiết và kịp thời về nhiều vấn đề quan trọng được xin ý kiến.
“Chưa bao giờ việc thảo luận các vấn đề quan trọng lại thuận lợi, đạt được sự đồng thuận cao như kỳ họp vừa rồi”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Liên quan việc chuẩn bị kỳ họp của Quốc hội thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cần bổ sung cả nội dung, chương trình kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2 tới.
“Có rất nhiều việc lớn phải làm, đề nghị Tổng Thư ký đề xuất rõ, việc nào của Quốc hội, của UBTVQH, Chính phủ… phải liệt kê rất cụ thể, phân công cơ quan thực hiện làm, phải làm rất khẩn trương. Ví dụ chắc chắn chúng ta phải sửa Luật Tổ chức Chính phủ, rồi nghị quyết về tổ chức mới của Chính phủ”, ông Nguyễn Khắc Định phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bố trí đủ thời gian để giải quyết khối lượng công việc rất lớn này, dự phòng cả những vấn đề có thể phát sinh.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị sắp xếp chương trình kỳ họp Quốc hội một cách chặt chẽ, đặc biệt là công tác nhân sự phải được chuẩn bị “chặt chẽ, chu đáo nhất, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng”.
"Chính phủ cần hạn chế tối đa việc trình bổ sung nội dung phát sinh vào chương trình kỳ họp", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Về thời gian, kỳ họp thứ 9 dự kiến khai mạc ngày 20-5-2025 và bế mạc ngày 30-6-2025, làm việc cả các ngày thứ bảy.