Tham dự cuộc họp có thành viên Tiểu ban, gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tại cuộc họp, Tiểu ban đã nghe Tổ Giúp việc trình bày báo cáo về tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Các thành viên Tiểu ban đã thảo luận, cho ý kiến về nội dung báo cáo.
Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, đánh giá cao Tổ Giúp việc, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan trong thời gian ngắn đã tích cực chuẩn bị với tinh thần nghiêm túc, kỹ lưỡng, khoa học các tờ trình và báo cáo để Tiểu ban cho ý kiến tại cuộc họp này. Tiểu ban cơ bản tán thành các nội dung nêu trong tờ trình và báo cáo về tổng kết công tác nhân sự Đại hội XII, về đánh giá ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân, một số kinh nghiệm quý báu rút ra từ công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XII. Đây là cơ sở để xây dựng phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng với những nội dung rất quan trọng: mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc của công tác nhân sự; tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, độ tuổi và quy trình, cách làm nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, theo chương trình làm việc, Hội nghị Trung ương 12 khóa XII (dự kiến họp tháng 5-2020) sẽ bàn về phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Đây là một trong hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ đại hội Đảng. Hiện nay, các đảng bộ trực thuộc Trung ương đang chỉ đạo để tiến hành đại hội đảng bộ các cấp; các dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã gửi để lấy ý kiến đại hội đảng bộ, chi bộ cấp cơ sở.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, thời gian sắp tới, Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tập trung dành công sức nhiều hơn cho việc xây dựng phương hướng công tác nhân sự và việc lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Nội dung họp bàn hôm nay giúp Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tiến hành một công việc có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội; cần khẳng định và thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này, vì đây là công việc chiến lược gắn liền với sự sống còn của Đảng ta, chế độ và tiền đồ phát triển của đất nước. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân. Công tác nhân sự Đại hội là hết sức nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Cần phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội XIII của Đảng; phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự dân chủ, công tâm, thật sự trong sáng, khách quan; cách làm phải thận trọng, làm từng khâu, từng công đoạn, theo một quy trình chặt chẽ, làm đến đâu chắc đến đó.
Các thành viên Tiểu ban Nhân sự và Tổ Giúp việc phải nắm chắc, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc, chế độ, quy chế và lề lối làm việc. Các thành viên Tổ Giúp việc phải thể hiện là những cán bộ thật sự tin cậy, tuyệt đối trung thành, trung thực, công tâm, khách quan, tuyệt đối giữ nguyên tắc, quan hệ công tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cá nhân có liên quan. Tổ Giúp việc phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương khẩn trương tiếp thu ý kiến của Tiểu ban, hoàn thiện báo cáo để trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi lấy ý kiến các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương.