Theo đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử thực sự dân chủ, khách quan, đúng luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng, chất lượng người được giới thiệu.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp để thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử theo quy định. Căn cứ vào cơ cấu, thành phần, số lượng của các tổ chức phụ trách bầu cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cử đại diện lãnh đạo tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; bảo đảm đủ cơ cấu, thành phần của Ủy ban MTTQ Việt Nam tham gia các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia Ban bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Về tổ chức các hội nghị hiệp thương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban bầu cử cùng cấp thực hiện các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND theo đúng quy định. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động đề nghị và thống nhất với Thường trực HĐND cùng cấp dự kiến phân bổ giới thiệu người ứng cử để danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định.
Hướng dẫn nêu rõ, những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo bằng văn bản để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định. Trường hợp đặc biệt là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị...
Về tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác, hướng dẫn nêu rõ, trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị không có người đủ điều kiện để dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị kịp thời báo cáo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp điều chỉnh cơ cấu người ứng cử.
Với việc tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử cư trú thường xuyên tại địa phương; thông báo đầy đủ, sớm trước 5 ngày về người ứng cử, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị cử tri, thông tin tóm tắt tiểu sử của người ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri được biết.
Về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trường hợp đặc biệt do điều kiện khách quan mà Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh không thể trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử thì phải có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện chủ trì, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phải cử cán bộ của mình tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm chủ động nắm tình hình và bảo đảm cho hội nghị tiếp xúc cử tri được thực hiện an toàn, đúng luật. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình.
Với việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, hướng dẫn cũng nêu rõ, phải bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử để cử tri và nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có điều kiện hiểu rõ hơn về người ứng cử. Tóm tắt tiểu sử người ứng cử gửi đến các gia đình, phát thanh trên hệ thống loa công cộng. Người ứng cử có thể gửi chương trình hành động của mình cho các cử tri dự hội nghị tiếp xúc. Số cuộc tiếp xúc cử tri đối với người ứng cử ĐBQH ít nhất là 10 cuộc; đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc; đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc. Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 28-4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22-5).
Hướng dẫn cũng nêu rõ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp với Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử các cấp, các cơ quan có liên quan trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác bầu cử.