Công tác dân vận có ý nghĩa chiến lược trong giải phóng mặt bằng

TPHCM có 5 dự án trọng điểm sắp triển khai là: rạch Xuyên Tâm, bờ Bắc Kênh đôi, Vành đai 2 (đoạn 1, 2), Vành đai 4, Cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Do đó, thành phố huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để các dự án sớm hoàn thành.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 13-11, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM phối hợp UBND TPHCM tổ chức Hội nghị chuyên đề “Công tác dân vận tham gia giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn TPHCM”.

Tham dự có các đồng chí: Phạm Minh Tâm, Phó Vụ Trưởng cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM. Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN-MT Võ Trung Trực cho biết, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn TPHCM có 538 dự án được ghi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện. Trong đó, có các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành các chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn. Từ đó, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đem lại hiệu quả cao trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt là 2 công trình, dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn.

Nhờ đó, kết quả Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM (Bến Thành - Tham Lương), có 585 trường hợp bị ảnh hưởng, nay đã bàn giao 576/585 trường hợp, đạt tỷ lệ 98,5%. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, có 1.692 trường hợp bị ảnh hưởng, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng được 99,8%, với 1.689/1.692 trường hợp đồng ý bàn giao mặt bằng.

Theo ông Võ Trung Trực, từ sự quan tâm của Thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu.

Hinh 9.jpg
Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đặc biệt, cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, chấp hành tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng cho dự án.

Công tác nắm bắt tình hình, kịp thời đề nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng được triển khai. Điều này cho thấy, công tác dân vận là yếu tố then chốt, truyền tải ý nghĩa, lợi ích của dự án đem lại, giúp người dân hiểu, đồng thuận việc thực hiện dự án và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện

Ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông), cho biết, nhận định được những khó khăn để hoàn thành dự án đường Vành đai 3, thành phố đã thành lập ban chỉ huy riêng cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của dự án được 99,8%.

Để đạt kết quả trên, công tác vận động, tuyên truyền được tập trung thực hiện ngay từ đầu, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của cơ quan báo chí, truyền thông. Qua đó, kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp trong chính sách, phương án bồi thường để kiến nghị giải quyết.

Hinh 4.jpg
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng với đó, từng địa phương thành lập các tổ tuyên truyền, vận động với nòng cốt là cán bộ hưu trí, những người có uy tín tại địa phương, người bị ảnh hưởng dự án để tiếp xúc, vận động, nắm được tâm tư nguyện vọng thực tế. Tận dụng những ngày nghỉ, lễ, ngoài giờ để tuyên truyền, vận động tránh ảnh hưởng đến công việc, xáo trộn cuộc sống của người dân.

Theo Ban Dân vận Quận ủy quận 3, địa phương xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là việc làm khó, phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở.

Điều đó đòi hỏi sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, để tạo lòng tin của nhân dân trong thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Hinh 7.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố tập trung nỗ lực để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án quan trọng. Trong số này có nhiều công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố và quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, công tác dân vận của chính quyền và thực hiện dân chủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng cũng như có ý nghĩa chiến lược trong nhiệm vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Theo đồng chí Bùi Xuân Cường, sắp tới, thành phố có 5 dự án trọng điểm triển khai là: rạch Xuyên Tâm, bờ Bắc Kênh đôi, Vành đai 2 (đoạn 1, 2), Vành đai 4, Cao tốc TPHCM - Mộc Bài với khoảng 6899 hộ dân bị ảnh hưởng, 269ha đất thu hồi. Đây là những công trình sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố nhưng cũng là vấn đề nan giải đặt ra với khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thành phố cũng có chương trình di dời 48.0000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Do đó, thành phố huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội để triển khai đồng bộ, nhất quán, kịp thời trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI xác định chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố phải phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng có vai trò quyết định đến hiệu quả đầu tư, tiến độ công trình, dự án và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng dẫn đến dự án kéo dài, gây thất thoát rất lớn đối với ngân sách, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

Hinh 12.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, tại TPHCM, dự án Vành đai 3 đoạn qua TPHCM là một trong những dự án kiểu mẫu trong tổ chức triển khai thực hiện, nhất là về vận động nhân dân để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, với 1.689/1.692 hộ đồng ý bàn giao mặt bằng (đạt được 99,8%).

Bên cạnh đó, các dự án, công trình trọng điểm như dự án hầm chui nút An Sương, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát, dự án tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm… đã và đang thực hiện cũng ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nhất là vai trò của Ban Dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham gia vào hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng.

“Thành phố thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng là góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân. Dự án được đưa vào sử dụng đúng với tiến độ thì cuộc sống, chất lượng của người dân ở trên địa bàn của thành phố cũng được hưởng thụ từ chính những tiện ích, hiệu quả mà công trình mang lại”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đánh giá.

Tin cùng chuyên mục