Công tác chuẩn bị Đại lễ Vesak 2019 đang trong giai đoạn nước rút
SGGPO
Trong những ngày này, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam), nơi sẽ diễn ra Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 công tác chuẩn bị đang bước vào giai đoạn nước rút. Chia sẻ với PV Báo SGGP, Thượng tọa Thích Minh Quang, đại diện chùa Tam Chúc, thành viên Ban tổ chức Đại lễ Vesak 2019 cho biết, công nhân làm việc liên tục 3 ca để hoàn thành các hạng mục chính phục vụ cho đại lễ.
Công nhân làm việc liên tục 3 ca/ngày để hoàn thiện các công trình phục vụ Đại lễ Vesak 2019
Đại lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đã được tổ chức ở nhiều nước có Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, như Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia...
Sự kiện trọng đại này được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, bất bạo động của Đức Phật trên khắp thế giới.
Sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam 2 lần. Năm 2008, Chính phủ Việt Nam đăng cai, chủ trì tổ chức Đại lễ Vesak LHQ với sự phối hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai và tổ chức Đại lễ này từ nguồn kinh phí xã hội hóa với sự hướng dẫn và giúp đỡ của Chính phủ để đảm bảo về: an ninh, an toàn trong và ngoài Đại lễ, truyền thông và các hoạt động liên quan.
Theo đề nghị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ Vesak 2019 tiếp tục đã được tổ chức tại Việt Nam.
Điện Tam thế đã cơ bản hoàn thành
Theo đó, Đại lễ Vesak năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14-5 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam, dự kiến đón tiếp đón khoảng hơn 10.000 người tham dự, bao gồm 1.500 chức sắc, nhà tu hành và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các Phật tử thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ 90 - 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, cùng với khoảng 10.000 đồng bào Phật tử và nhân dân Việt Nam.
Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết, Đại lễ Vesak là một trong các hoạt động văn hóa quốc tế của Liên hợp quốc nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại.
Sự kiện là cơ hội để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, bất bạo động của đức Phật.
Chủ đề chính của Vesak 2019 là: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Đại lễ còn tập trung thảo luận các chủ đề: “Sự lãnh đạo có chánh niệm và xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe, xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo liên hệ giáo dục toàn cầu về đạo đức; cách mạng công nghiệp 4.0 và Phật giáo...
Từ trên chùa Ngọc thuộc quần thể chùa Tam Chúc sẽ ngắm được toàn cảnh khu vực
Đại lễ Vesak 2019 sẽ đón một lượng lớn đại biểu quốc tế cũng như thu hút được sự tham dự của đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài. Đây sẽ là kênh quảng bá, giới thiệu có hiệu quả hình ảnh Việt Nam đang mở rộng các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế, đồng thời thông qua tổ chức Đại lễ Vesak, khẳng định vai trò và đóng góp của Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài dựng nước và phát triển đất nước.
Đại lễ không chỉ là dịp để Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện mà còn cần sự hưởng ứng của cả xã hội, nhất là địa phương trực tiếp nơi diễn ra Đại lễ. Do đó, bên bên cạnh đó, trong khuôn khổ Đại lễ còn có các hoạt động như triển lãm cổ vật Phật giáo, hội chợ văn hóa, đêm hoa đăng, các chương trình văn hóa nghệ thuật, tham quan…
Thượng tọa Thích Minh Quang mong muốn việc hoàn thiện và đưa vào vận hành các công trình chính phục vụ cho Đại lễ như Điện Tam thế, Điện Pháp chủ, Điện Quan Âm, chùa Ngọc, Thủy đình, hội trường, cổng tam quan… trong khu du lịch Tam Chúc tạo nên một cảnh quan xanh, sạch đẹp sẽ tạo ấn tượng tốt cho các đại biểu khi tham dự Đại lễ Vesak 2019.