Trước thực trạng bộ máy hành chính, cán bộ còn cồng kềnh, bất cập và nhiều hạn chế nên chủ trương thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính xã, huyện theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất kịp thời, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, làm cho tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, đây là công việc khó, “đụng chạm” và ảnh hưởng trực tiếp tới công tác cán bộ, đảng viên. Báo SGGP có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Tiến Dĩnh(ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện Đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo tinh thần của Nghị quyết 18 đưa ra tại Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Chính phủ. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?
Ông NGUYỄN TIẾN DĨNH: Đề án thực hiện theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 2 tiêu chí, đảm bảo về dân số và diện tích tự nhiên. Chủ trương này rất phù hợp để tinh gọn bộ máy, giảm số lượng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay nhằm giảm bớt cồng kềnh. Đồng thời, để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang giúp Chính phủ xây dựng đề án sáp nhập tuyến xã, huyện. Mục tiêu là đến 2021 sẽ giải quyết được 16 huyện, 637 xã không đạt được 50% của 2 tiêu chí dân số và diện tích tự nhiên. Mục tiêu là thế, nhưng làm thì rất khó vì trong lịch sử Việt Nam cũng đã từng có những lần tách - nhập; kể cả cấp tỉnh, huyện, xã. Mỗi lần tách - nhập đều có lý do hết sức thuyết phục, tất cả đều có lý. Lần này có nhiều trường hợp mới tách thì lý do đều thuyết phục cả, thực tế có thể cả huyện, cả xã do diện tích rộng, không đầu tư được, đội ngũ cán bộ không đáp ứng được… thì lại tách. Mục tiêu sắp xếp bộ máy hành chính, ngoài việc tinh gọn bộ máy vẫn phải đảm bảo ổn định chính trị và hiệu quả cho sự phát triển.
Trong quá khứ, chúng ta đã có những lần chia tách đơn vị hành chính; theo ông, cần lưu ý những gì khi thực hiện sắp xếp lại ở thời gian tới?
Bài học về việc chia tách, chúng ta đã làm rất rộng, các tỉnh: Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn… đều phải tách, vì trước đó các tỉnh này rất rộng. Ở đây, vấn đề đặt ra là khi tách hay nhập, xây dựng một đơn vị hành chính thì căn cứ không phải chỉ có quy mô về dân số, quy mô về điều kiện diện tích tự nhiên, mà phải rất quan tâm đến vấn đề địa chính trị, kinh tế, văn hóa, truyền thống; không phải cứ nhập, tách vào một cách máy móc là được. Nhiều khi chúng ta nhập vào rồi tách ra thì ổn định. Ví dụ như tỉnh Vĩnh Phú trước kia, sau này tách ra thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Vĩnh Phúc phát triển hơn vì phát huy được lợi thế của vùng Mê Linh (hiện đã là địa giới của Hà Nội); tỉnh Bắc Ninh (trước kia là tỉnh Hà Bắc) có thủ phủ ở Bắc Giang thì bỏ qua TP Bắc Ninh (trước kia là thị xã), sau khi tách ra thành TP Bắc Ninh đã phát triển. Do đó, bài học ở đây là sắp xếp phải đảm bảo được yếu tố phát triển, phải căn cứ vào điều kiện để phát triển chứ không chỉ dừng lại ở điều kiện dân số, diện tích.
Quá trình tách nhập các đơn vị hành chính, chúng ta phải căn cứ vào các mục tiêu để xem địa phương đó được gì đế đánh giá tác động. Nếu như nhập lại thì khả năng ổn định, khả năng phát triển đến đâu, có ổn định chính trị không? Tôi không nói trước mắt sáp nhập sẽ khó khăn và sau thì ổn định, nhưng cần lường trước để tránh bức xúc, bất cập. Tất nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta quản lý đã khác trước. Qua các thông tin, tôi thấy nhiều tỉnh rất hăng hái về chủ trương, nhưng mục tiêu cuối cùng là sắp xếp lại để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề này chúng ta phải làm, nhưng làm như thế nào để có cách làm, có bước đi phù hợp.
Nghị quyết 18 cũng lưu ý tới việc có chính sách với đội ngũ cán bộ sau khi sắp xếp. Công việc này nhiều địa phương tỏ ra băn khoăn, cá nhân ông thấy cần làm gì?
Nhiều người cũng băn khoăn về công tác cán bộ sau khi thực hiện nghị quyết, công tác cán bộ làm không cẩn thận là mất ổn định, nếu chúng ta thấy cần thiết thì chúng ta phải quyết tâm làm. Ở đây là quyết tâm chính trị của mỗi đảng viên. Đây là sự phân công của Đảng, đương nhiên Đảng và Nhà nước sẽ có chính sách, nhưng nhiều việc cũng cần sự đồng cảm để sắp xếp cho phù hợp, lựa chọn được cán bộ giỏi, giữa cán bộ có kinh nghiệm và cán bộ trẻ năng động. Phải ưu tiên những cán bộ trẻ, nhiệt huyết, có quyết tâm. Những cán bộ chỉ còn 2-3 năm nghỉ chế độ thì chúng ta phải có chính sách sau khi sắp xếp. Vấn đề này đã có bài học, nhưng nếu thấy cần thiết thì vẫn phải làm. Cái quan trọng, mấu chốt là khi nhập vào, đảm bảo hiệu quả công việc, hiệu quả trong quá trình phát triển.
Chủ trương thực hiện đề án không thể tránh “động chạm” tới cán bộ. Ở một số địa phương, theo lãnh đạo tỉnh, đã có dấu hiệu cán bộ “lo lót” trước khi thực hiện chủ trương. Cần làm gì để hạn chế được tình trạng này?
Vấn đề này do người đứng đầu. Người đứng đầu phải nghiêm túc, phải chỉ đạo cả hệ thống của mình, từ bí thư tới Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, các quận, huyện để ngăn chặn chạy chọt, lo này lo kia. Quan trọng, nếu hợp nhất huyện thì Tỉnh ủy phải sắp xếp cán bộ. UBND tỉnh lựa chọn ai là chủ tịch, lựa chọn phải công tâm, khách quan, minh bạch thì người cán bộ mới tâm phục, khẩu phục và đồng thuận. Với nguồn cán bộ dôi dư sau sắp xếp, chúng ta phải có chính sách, phải quán triệt về tư tưởng. Trong một cuộc cách mạng, đương nhiên sẽ có đụng chạm, cán bộ đảng viên phải đồng thuận. Vấn đề là chúng ta làm cho đúng, cho khách quan, công tâm, minh bạch, đánh giá đúng. Tôi thấy các tỉnh băn khoăn chính là đội ngũ, nhưng các chuyên gia lại băn khoăn về các tiêu chí. Còn về chủ trương thì đề án này rất đúng, kịp thời, bởi tất cả bộ máy đang tích cực tinh gọn, sắp xếp lại để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đáng chú ý nhất là vừa qua, Bộ Công an đã tiên phong thực hiện.
Lựa chọn cán bộ đứng đầu sau khi sắp xếp là công việc phải làm, nhưng làm thế nào để lựa chọn đúng người, đúng việc?
Tất cả các yếu tố liên quan đến con người phải tính toán, quan tâm, động viên. Nhiều người sau sáp nhập tự nguyện nghỉ, nhưng có những người không tự nguyện. Có khi, người cần phải cho về thì không về, người tự nguyện về lại là những người có năng lực. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức phải có đánh giá, xem xét cho chuẩn, ai đáng về phải chỉ cho rõ, chứ không phải là chờ tự nguyện. Tự nguyện bao giờ cũng có 2 mặt, những người năng lực yếu không ai tự nguyện, trong khi những người có năng lực, họ có nhiều cơ hội làm việc khác, họ tranh thủ hỗ trợ sau khi sáp nhập để ra ngoài làm...
Xin cảm ơn ông!
Sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ dựa vào tiêu chí cứng Trả lời phóng viên Báo SGGP về việc có nên tính đến các tiêu chí khác ngoài tiêu chí cứng mà Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra về dân số và diện tích tự nhiên hay không, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, các tiêu chí để xác định sắp xếp cần lượng hóa được. Vấn đề nào chưa lượng hóa được cần phải có định tính, trong đó có xem xét tới yếu tố văn hóa, vị trí chiến lược quan trọng và phải trả lời câu hỏi “thế nào là vùng có văn hóa đặc trưng?”. Với tiêu chí để lựa chọn người đứng đầu đơn vị hành chính mới, ông Nguyễn Trọng Thừa cho hay, sẽ theo quy trình, ví dụ cấp xã do ban thường vụ Huyện ủy xem xét, các công đoạn từ đánh giá cán bộ, điều kiện, phương án bố trí, tất cả nội dung này cần có hướng dẫn cụ thể. Trong đề án phải tính tới các giải pháp đó, phải lượng hóa được vấn đề để xử lý cho hiệu quả trong bất cứ trường hợp nào xảy ra. Tất nhiên, sẽ có nhiều vấn đề, những người đang làm chủ tịch sẽ không làm chủ tịch nữa thì nên sắp xếp như thế nào, thời gian trễ là bao nhiêu, điều này sẽ có hướng dẫn. Việc sắp xếp hay chia tách các đơn vị hành chính thời nào cũng có, việc này là bình thường để phục vụ cho nền hành chính hiệu quả, hiệu lực nhất. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phải dự báo và phân tích được các dữ liệu khoa học, lúc đó bộ máy mới phát huy được hiệu quả cao nhất. |