Siết chặt kỷ luật, đánh giá bằng công việc
Bác Hồ đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”. Vì thế, công tác huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Trong lịch sử của Đảng, của nhân dân, của dân tộc có các đồng chí: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Gia Tự… đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng. Các đồng chí ấy có đạo đức cách mạng Bác dạy, sáng ngời về nhân cách, tư cách, trí tuệ và bản lĩnh.
Thời gian qua, chúng ta xem nhẹ công tác giáo dục đạo đức cách mạng trước khi làm người cán bộ. Chính vì vậy, công tác này cần được quan tâm đặc biệt, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Liên quan đến vấn đề này, chương đầu tiên của tác phẩm Đường kách mệnh đã đề cập đến 23 điều, gồm 14 điều đối với mình, 5 điều đối với người và 5 điều đối với việc.
Bác Hồ cũng nhấn mạnh giao nhiệm vụ, thử thách, đánh giá thông qua công việc. Bác nói, chủ tịch nước, lái xe, cấp dưỡng… nếu hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao cho đều là vinh quang.
Vì thế không xảy ra chạy chức, chạy quyền. Nhưng thực tế lâu nay, không ít cán bộ coi có chức, có quyền; được thưa bẩm, kính chào hoặc cờ hoa khẩu hiệu mới cho là vinh quang.
Người dân tra cứu thông tin về cán bộ tại UBND huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Do đó, việc đánh giá cán bộ thông qua công việc, thông qua nhiệm vụ mà Nghị quyết 26 đặt ra đã cụ thể hóa quan điểm của Bác một cách rõ ràng. Việc nào người đó, không phải vì người mà sắp việc, vì ghế mà bố trí khiến bộ máy dẫn đến biên chế phình to.
Bác Hồ làm chủ tịch nước xuất sắc, được toàn dân tôn vinh. Song, người nuôi bò xuất sắc vẫn được tôn vinh, như bác Hồ Giáo (tỉnh Quảng Ngãi) suốt 50 năm chỉ mỗi công việc chăn bò, nuôi trâu mà tới 2 lần được phong tặng Anh hùng Lao động, là đại biểu Quốc hội 3 khóa. Dẫn chứng trên càng khẳng định yêu cầu đánh giá cán bộ bằng công việc là rất cần thiết và quan trọng. Điều này khác hẳn với việc đánh giá thông qua lý lịch, hồ sơ, “cánh hẩu” vì lợi ích nhóm diễn ra không ít trong thực tế lâu nay.
Để khắc phục những hạn chế đang tồn tại, Nghị quyết 26 cũng đặt ra yêu cầu chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm chống chạy chức, chạy quyền; khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, lợi ích nhóm, thân hữu, “cánh hẩu”... trong công tác cán bộ.
Cùng với đó là sự mở rộng không gian, môi trường khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung để cán bộ dấn thân mà không sợ rủi ro. Điều này sẽ giúp tránh tư tưởng an phận, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.
Lấy lợi ích của dân kiểm nghiệm cán bộ
Nghị quyết 26 được xây dựng trên quan điểm đổi mới, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt. Việc đổi mới kinh tế đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị. Điểm quan trọng cốt lõi được xác định mọi quá trình đổi mới đều hướng vào mục tiêu vì con người.
Cụ thể hơn, “cán bộ” trong Nghị quyết 26 là trung tâm, có vai trò quyết định thành bại của cách mạng. Đặc biệt, Nghị quyết 26 nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trở thành một trọng tâm trong công tác cán bộ, là vấn đề hệ trọng của Đảng.
Tôi cũng rất tán thành nội dung Nghị quyết khi đề cập đến việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tầm chiến lược, bịt kín các lỗ hổng trong công tác cán bộ. Nổi bật là việc kiểm soát quyền lực, không chỉ của người đứng đầu mà còn kiểm soát quyền lực trong việc đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ.
Bác Hồ từng nhấn mạnh đến yêu cầu kiểm soát quyền lực người đứng đầu. Bởi vì, người đứng đầu tổ chức, bộ máy nếu không có đạo đức cách mạng thì sớm hủ hóa, tham ô, nhận hối lộ. Về giải pháp, muốn chống thì phải dựa vào dân, đi xuống dân, coi dân là thầy. Nghĩa là phải tăng cường dân chủ.
Bác cũng dạy rằng: “Dân chủ là để cho dân được mở miệng ra”. Người dân còn tin Đảng, tin chế độ thì người dân vẫn còn đóng góp. Do đó, vấn đề là phải có cơ chế, kênh hữu hiệu để người dân nêu ý kiến, trình bày nguyện vọng.
Khi đó, dù cán bộ có “mua” được 1 cấp ủy, nhiều cấp ủy song vẫn không thể mua hàng triệu đảng viên, càng không thể mua được trăm họ hay toàn dân. Đây là chân lý, là cơ chế kiểm soát quyền lực tốt nhất, cần phải đảm bảo thực hiện trong thực tế.
Quyền lực cao nhất ở nước ta, kể cả quyền lực nhà nước là của dân nên chính nhân dân mới kiểm soát được quyền lực nhà nước, khi thật sự dân chủ. Cùng với đó, lợi ích của nhân dân phải là cơ sở quan trọng, làm căn cứ cho sáng tạo, đổi mới của cán bộ. Đó cũng đồng thời để kiểm nghiệm, tôn vinh những cán bộ mang lại lợi ích cho nhân dân và sàng lọc những cán bộ yếu kém, thoái hóa, biến chất, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
Quan điểm dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ là không mới. Tuy nhiên, lâu nay quan điểm này chưa được cụ thể hóa bằng các quy trình cụ thể nên phải có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm đảm bảo cán bộ, đảng viên gắn bó mật thiết với người dân, kể cả nơi cư trú.
Ngoài ra, phải tạo kênh để người dân tham gia giám sát, đánh giá cán bộ, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với hành vi công vụ. Đặc biệt là có cơ chế để nhân dân trực tiếp bãi miễn đại biểu thoái hóa, biến chất mà họ đã bỏ phiếu bầu.
Các Nghị quyết Trung ương đều rất đúng, đi vào trọng tâm như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nêu 3 vấn đề còn nguyên giá trị, gồm: ngăn chặn đẩy lùi suy thoái, xây dựng đội ngũ chiến lược, kiểm soát quyền lực người đứng đầu. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt được như mong muốn. Sau Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), hàng loạt quan chức cấp cao, tướng lĩnh công an vi phạm, tham nhũng bị xử lý, người dân lấy lại niềm tin. Do vậy, điều quan trọng nữa là sự nghiêm khắc, xử lý cán bộ vi phạm “từ đầu trở xuống” và người dân vẫn kỳ vọng vào sự mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, nhằm xóa bỏ hẳn sự hồ nghi ít nhiều vẫn đang tồn tại là vẫn còn làm “từ vai trở xuống”.
TS NGUYỄN VIỆT HÙNG - Trưởng khoa Xây dựng Đảng - Tư tưởng
Hồ Chí Minh (Học viện Cán bộ TPHCM)