Công tác an sinh bám sâu, vươn xa

Những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đường dây nóng Báo SGGP cũng là một trong những kênh tiếp nhận phản ánh của nhiều người dân khi gặp chuyện cấp bách, không tìm được đầu mối liên lạc. Mới đây, sau khi tiếp nhận phản ánh của nhóm sinh viên, người lao động khu nhà trọ tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức gặp khó khăn, do Báo SGGP chuyển đến, phường đã lập tức kiểm tra nhanh và có phương án hỗ trợ ngay.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu tặng quà cho hộ dân khó khăn ở quận 8
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu tặng quà cho hộ dân khó khăn ở quận 8

Quy về một mối

TPHCM vừa thành lập Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 (gọi tắt là Trung tâm). Với Trung tâm này, công tác an sinh sẽ vươn sâu, vươn xa hơn để TPHCM thực hiện được mục tiêu: Không có ai khó khăn cùng cực mà không được hỗ trợ.

Không chỉ các hộ dân gặp khó khăn trong dịch bệnh, các cơ sở y tế cũng rất cần được hỗ trợ máy móc, thiết bị; nhân viên y tế đôi lúc cũng cần được hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm, đồ bảo hộ để đủ sức chiến đấu trong thời gian dài. Ngày 5-8, Bệnh viện (BV) quận Tân Phú vui mừng tiếp nhận 13 máy thở oxy lưu lượng cao HNFC. Đây là loại máy rất cần thiết trong điều trị bệnh nhân Covid-19, được điều phối phù hợp với nhu cầu của BV. Trước đó, có lúc việc hỗ trợ thiết bị y tế không theo nhu cầu, khiến cho nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thì dư thừa. 

Chia sẻ thêm về việc tiếp nhận nguồn lực xã hội trong phòng chống dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, mong muốn các nhà tài trợ nên liên hệ qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Từ đó, MTTQ phối hợp với ngành y tế để phân bổ phù hợp đến các đơn vị. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm khẳng định, Trung tâm giúp quản lý thống nhất nguồn vận động hỗ trợ; giải phóng nhanh nhất hàng hóa hỗ trợ. Điều này giúp khắc phục tình trạng chồng chéo và nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều phối, phân phối. Tất cả những nguồn tiếp nhận trước đây, cơ quan, đơn vị, tổ chức vẫn thực hiện, nhưng trước khi phân phối, các đơn vị báo cáo Giám đốc Trung tâm để tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các đơn vị.

Trung tâm sẽ được thành lập ở 3 cấp là thành phố, cấp huyện và cấp xã. Hiện nay nhiều địa phương đang gấp rút chuẩn bị để thành lập trung tâm ở cấp mình. Theo ý kiến của các cán bộ cơ sở, công việc hỗ trợ sẽ không khác trước nhiều, MTTQ vẫn là đầu mối tiếp nhận và điều phối các nguồn tài trợ. Tuy nhiên, khi có thêm sự tham gia của các cơ quan khác cùng cấp thì cần đảm bảo tính phối hợp, tránh việc phải hội họp, xin ý kiến làm kéo dài thời gian hỗ trợ.

Không bỏ sót, không trùng lắp trường hợp cần giúp

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã có nhiều nỗ lực chăm lo cho các trường hợp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dù vậy, cũng khó có thể khẳng định mọi hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ kịp thời. Bằng chứng là tổng đài 1022 - nhánh số 2 tiếp nhận thông tin người dân khó khăn cần hỗ trợ đã nghẽn mạng ngay sau khi đi vào hoạt động. Cơ quan vận hành có lẽ cũng không hình dung trước được trung bình mỗi ngày có tới hơn 159.000 cuộc gọi tới đường dây này.

Ngoài các giải pháp kỹ thuật cho tổng đài 1022, một giải pháp thực tế được chính cơ sở đưa ra. Đó là gọi báo với địa phương, chịu khó liên hệ với cơ sở trước khi gọi báo tin lên tổng đài. Lãnh đạo UBND quận 12 khẳng định, với cách làm hiện nay, tổ dân phố, khu phố sẽ nắm chặt địa bàn, rất khó để lọt các trường hợp khó khăn. 

Trong khi đó, ở quận 5, ngay từ đầu dịch, MTTQ quận thông qua mạng lưới ở cơ sở đã nhanh chóng lên danh sách chăm lo cho từng nhóm. Cán bộ ở khu phố, tổ dân phố có thể kể vanh vách từng hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Những người vãng lai liên hệ, dù không có hộ khẩu thường trú, không có tạm trú, quận 5 cũng tìm nguồn vận động chăm lo để họ không phải “về tay không”. Quyền Chủ tịch UBND quận 5 Trương Minh Kiều cho biết, với một hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, trước tiên quận sẽ rà thật kỹ xem có thuộc đối tượng hỗ trợ nào theo chính sách chung hay không. Nếu thuộc đối tượng mà chưa được hỗ trợ thì nhanh chóng làm hồ sơ để được hưởng, nếu không thuộc đối tượng, thì MTTQ sẽ cố gắng chăm lo bằng nguồn tài trợ khác.

Nếu địa phương nào cũng làm chặt chẽ như vậy, rất khó để lọt những cảnh đời khó khăn cùng cực mà không được chính quyền hỗ trợ. Tới đây, quận 5, quận 12 cùng với quận 7 sẽ được thành phố chọn thí điểm vận hành Trung tâm. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu khẳng định, tinh thần chung là mạng lưới an sinh xã hội sẽ cố gắng tiếp cận hết những đối tượng khó khăn mà chính sách của Chính phủ, TPHCM chưa thể đến kịp, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 được thành lập, đặt tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM là Giám đốc Trung tâm cùng 18 thành viên khác là đại diện UBND và một số ban ngành, đoàn thể thành phố. Về cơ bản, Trung tâm sẽ tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ, cùng quận huyện và Sở Y tế rà soát nhu cầu cần hỗ trợ rồi phân phối nguồn tài trợ (hàng hóa, vật tư y tế). Bên cạnh đó là kiểm tra giám sát việc điều phối nguồn tài trợ theo nguyên tắc đúng đối tượng, đúng nhu cầu.

Tin cùng chuyên mục