Một cửa điện tử
Dịch Covid-19 đã thay đổi mạnh cách sống của chúng ta. Đi qua đại dịch, ngày càng có nhiều người sử dụng công nghệ thông tin phục vụ cuộc sống, thuần thục làm việc từ xa, học tập online, mua sắm trực tuyến... Người có nhu cầu chăm sóc y tế có thể nhận tư vấn từ xa của bác sĩ, đổi thẻ bảo hiểm y tế qua mạng. Người lao động thuận tiện đăng ký nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp qua app VssID và nhận tiền được chuyển thẳng tới tài khoản cá nhân… Đó cũng là kết quả của chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực trên địa bàn TPHCM thời gian qua, được thúc đẩy mạnh do phải thích ứng với dịch Covid-19. Trong dòng chảy đó, các cơ quan công quyền cũng bứt tốc, chuyển đổi số mạnh mẽ, mang lại diện mạo mới và cung cách mới trong phục vụ người dân.
Thay vì cảnh tập trung chờ đợi cả tiếng đồng hồ để nộp hồ sơ, giờ đây nhiều công sở thưa dần bóng người dân làm thủ tục. Không phải việc phục vụ ngưng trệ, ngược lại nhu cầu của người dân và doanh nghiệp vẫn được giải quyết đâu vào đấy bởi đa số phần việc, thủ tục đã được giải quyết trực tuyến, tương tác qua mạng. Ông Nguyễn Tiến Công (Công ty TNHH Vimex Toàn Cầu, quận 1) vừa được nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ Sở Công thương TPHCM bằng hình thức trực tuyến, chia sẻ: “Tôi vào website của Sở Công thương nộp hồ sơ và được chuyên viên ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ của sở gọi điện thoại tư vấn cụ thể. Tôi rất vui vì được tạo điều kiện giải quyết thủ tục một cách nhanh chóng, văn minh”.
Theo Văn phòng Sở Công thương TPHCM, trong năm 2021, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến của sở tăng mạnh, đạt gần 94% tổng hồ sơ được giải quyết (gần 70.000 hồ sơ). Toàn bộ 114 thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 (100%). Người dân có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu có mạng, làm thủ tục bất cứ giờ nào (giao dịch 24/24 giờ). Bên cạnh giải quyết hồ sơ trực tuyến và trả kết quả tận nhà, sở còn thực hiện mô hình cải cách hành chính, chuyển từ hành chính truyền thống sang hành chính phục vụ. Hình ảnh rất thân thiện là trường hợp làm hồ sơ trực tiếp, người dân chỉ cần lấy số thứ tự, sau đó ra khu vực ngồi chờ với chỗ ngồi đẹp như tiệm cà phê; cán bộ sẽ tới tận nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho từng người.
Năm 2021, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) phải giải quyết trên 2 triệu hồ sơ. Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến cho biết, việc chuyển đổi số đồng bộ, thực hiện giao dịch điện tử ở tất cả các khâu nghiệp vụ đã giúp ngành có thể giải quyết số lượng hồ sơ “khủng” đó. Hiện nay, chỉ còn một bộ phận nhỏ giữ thói quen cũ là tới BHXH nộp hồ sơ trực tiếp. Tại quận 1, người dân có thể làm thủ tục hành chính không giấy ở nhiều lĩnh vực và tra cứu hồ sơ bằng công cụ nhận diện khuôn mặt.
Được vận hành cuối tháng 9-2021, Trung tâm Điều hành kiểm soát dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và dịch vụ hành chính công quận 7 chính là “cánh tay” đắc lực giúp lãnh đạo quận quản lý, giao việc, giám sát việc thực thi công vụ. Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành cho biết, quận đã xây dựng ứng dụng “Quận 7 trực tuyến” được ví như văn phòng di động, đánh giá hiệu quả công việc của công chức. Ứng dụng “Quận 7 trực tuyến” được dùng phục vụ người dân làm thủ tục hành chính, tìm hiểu thông tin quy hoạch, nắm bắt tình hình dịch, phản ánh các vấn đề trong đời sống…
Góp phần kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế
Mục tiêu trong chuyển đổi số của TPHCM là đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 50% trở lên; kinh tế số chiếm 25% GRDP. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, chuyển đổi số có một sứ mệnh mới, trong đó rất cần sáng tạo và ứng dụng các giải pháp công nghệ số để duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần phòng chống dịch thành công và hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến suy thoái kinh tế.
GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia tư vấn tài chính cơ sở hạ tầng, đề nghị thành phố cần đi đầu cả nước áp dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi sang mô hình chính quyền số từ cấp phường, cấp quận huyện đến thành phố. Tất cả văn bản, hoạt động quản lý của chính quyền cần được số hóa, chuyển sang dịch vụ công trực tuyến, tạo đà cho TPHCM trở thành một chính quyền minh bạch hơn nữa, giảm dần các hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng.
Ông Lâm Việt Tùng, chuyên gia tư vấn cho Vodafone Ziggo (Hà Lan), đề nghị ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp đơn giản hóa thủ tục hành chính, đóng thuế, nộp ngân sách một cách dễ dàng để giảm các “chi phí chìm”. Thành phố nên làm một app để doanh nghiệp có thể thực hiện tất cả thủ tục một cửa trên đó, từ hồ sơ, giấy tờ cần giải quyết tới các khoản chi phí đóng hàng năm và thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. “Cần chuyển thành văn phòng không giấy với chữ ký điện tử. Đó là việc có thể làm được ngay trong thời gian ngắn và tiết kiệm nhiều tỷ đồng”, chuyên gia Lâm Việt Tùng gợi mở và nhấn mạnh với TPHCM, nên chi tối thiểu 3-4% GRDP cho công cuộc chuyển đổi số.
Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh đánh giá, đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhưng cũng mở ra cơ hội cho hệ thống chính quyền thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số chính là dư địa cho phép tạo đột phá, quyết định sự phát triển của TPHCM. Muốn thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số, điều cần thiết là phải có nền tảng số, nền tảng dữ liệu. Trong năm 2022, TPHCM tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, biến dữ liệu thành tài nguyên phục vụ cho chuyển đổi số và cho phát triển. Chính quyền số tích hợp các dịch vụ theo nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp, mang lại các tiện lợi cho người dân. Khi các cơ quan nhà nước chia sẻ dữ liệu với nhau, người dân và doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần…
Năm 2021, TPHCM triển khai khai báo y tế điện tử với 46 triệu tờ khai; cấp gần 11 triệu mã QR cá nhân và gần 90.000 mã QR địa điểm; thực hiện 4 bản đồ điện tử (với 220 triệu lượt truy cập), phục vụ phòng chống dịch và giúp người dân thuận tiện giám sát; triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine... |