Vừa qua nhiều báo, trong đó có Báo SGGP đã phản ánh về những bất cập trong quản lý chứng chỉ, vi bằng. Chiều 25-1, tại Hà Nội, Báo Điện tử Dân Việt đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam” với sự tham gia trả lời của ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, để làm rõ nhiều vấn đề dư luận quan tâm.
Không yêu cầu người học nước ngoài phải công nhận văn bằng
Thời gian qua, quy trình công nhận văn bằng nước ngoài cấp cho người Việt Nam cũng đã giúp cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp sử dụng văn bằng giả, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp nhưng không đạt chất lượng, trường cấp văn bằng chưa được kiểm định. Tuy nhiên, cũng có hàng ngàn trường hợp người được Nhà nước cử đi học, những trường hợp đào tạo, học tập tại Liên Xô trước đây… vẫn phải mất thời gian, công sức công nhận lại văn bằng. Nhiều người đến nay vẫn chưa được công nhận do cơ quan chức năng “chưa đủ căn cứ để trả lời”...
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng, việc người được Nhà nước cử đi du học cũng bị kiểm định bằng thể hiện sự bất cập của việc này. Vô hình trung, Bộ GD-ĐT đang tự tạo ra một “giấy phép con” đặt vị trí của bộ lên trên tất cả các cơ sở giáo dục trên thế giới. “Về mặt quản lý thì có thể hiểu được phần nào đó, nhưng về mặt học thuật thì chắc gì Bộ GD-ĐT đã đủ trình độ để kiểm định lại văn bằng của nhiều trường trên thế giới. Ví dụ như người ta đi học ở Harvard về mà Bộ GD-ĐT cũng đòi kiểm định lại chất lượng đào tạo cũng như giá trị của văn bằng thì có đúng không”, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ đặt vấn đề và cho rằng, cần phải tinh giảm tối đa sự phiền hà từ các cơ chế “xin, cho” đối với người học, có như vậy mới thu hút được du học sinh về Việt Nam.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT, khẳng định đây không phải giấy phép con và Bộ GD-ĐT chưa có một văn bản nào yêu cầu người học phải công nhận văn bằng, mà phụ thuộc vào đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu cá nhân. Khi một tổ chức, cá nhân yêu cầu chúng tôi sẽ thực hiện quy trình công nhận. Về mặt thủ tục, trong 2 năm vừa qua chúng tôi đã cố gắng cải tiến để đơn giản hóa quá trình này, đã xây dựng website để người có nhu cầu có thể gửi hồ sơ trực tiếp, sắp tới mọi người có thể làm thủ tục công nhận qua mạng. Như vậy, việc yêu cầu công nhận văn bằng nước ngoài không phải yêu cầu của Bộ GD-ĐT mà do nhu cầu của cá nhân.
Cần đơn giải hóa thủ tục công nhận văn bằng
TS Nguyễn Minh Phong, Phó ban Tuyên truyền Lý luận, Báo Nhân dân, nêu thực tế, bằng học ở Nga về đáng ra là “xịn nhất” nhưng cuối cùng lại bị nghi ngờ nhất, rất khó khăn khi yêu cầu công nhận. “Đất nước Liên Xô đã đổi tên, không dễ để còn có các tài liệu, nhưng bắt buộc phải đi khảo thí là không hợp lý, cần có danh sách loại trừ. Bên cạnh đó, cơ chế liên thông giữa các bên chưa rõ và cũng cần có cơ chế bảo lãnh. Người đủ tin cậy bảo lãnh là được, nếu thấy sai thì có hồi tố và xử lý nghiêm sau”, TS Nguyễn Minh Phong đề nghị. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần tăng dữ liệu về cơ sở thông tin, cơ sở đại học. Đồng thời có quy định sau bao nhiêu ngày nộp hồ sơ thì được xử lý. Nếu không chứng minh được bằng giả thì phải công nhận chứ không thể để tới 2 năm mà không có trả lời, ví dụ tất cả cơ quan không có ai trả lời nhưng chỉ có cơ quan đại sứ quán trả lời thôi thì cũng phải công nhận.
Ông Mai Văn Trinh cho hay, đến nay Bộ GD-ĐT đã công nhận trên 24.000 văn bằng nước ngoài cấp cho người Việt Nam. Trong 10 năm qua, cơ bản Bộ GD-ĐT đáp ứng được những người công nhận văn bằng. Bằng giả được phát hiện cũng nhiều, năm 2018, phát hiện gần 10 trường hợp bằng giả. “Tuy nhiên, do tính đa dạng, tính lịch sử nên còn có những trường hợp cụ thể khác nhau, còn khó khăn thuộc về hồ sơ, giấy tờ nên có trường hợp chưa được công nhận, có trường hợp không được công nhận. Việc công nhận văn bằng là cần thiết và thiết thực của sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, tiềm lực của người dân ngày càng lớn với nhu cầu đi đào tạo ở nước ngoài ngày càng nhiều hơn nên cần phải có những điều chỉnh các quy định cho phù hợp vì quyền lợi của quốc gia”, ông Mai Văn Trinh nói. Theo ông Trinh, qua yêu cầu thực tiễn cho thấy cần phải điều chỉnh Quyết định 77 về công nhận văn bằng theo hướng phải có cập nhật tất cả các khu vực trên thế giới để phù hợp với thông lệ của quốc tế trong quá trình công nhận văn bằng. Mặt khác, thủ tục công nhận phải đơn giản nhất có thể. Người đi học theo chương trình Nhà nước cử đi không phải công nhận văn bằng nữa.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, cho rằng, công nhận văn bằng là một vấn đề nhức nhối nhưng chưa có một giải pháp triệt để. Bộ GD-ĐT cần đưa ra một giải pháp để xây dựng khung pháp lý thuận lợi cho việc công nhận văn bằng. Việc công nhận văn bằng nên để cho đơn vị sử dụng lao động làm, Bộ GD-ĐT chỉ cần công khai danh sách các trường đạt chất lượng, có khung chương trình quốc gia để từ đó tham chiếu.