Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA):
Phát triển nhà giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ
Hiện nay, TPHCM chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN).
Chỉ riêng Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân) có khoảng 100.000 công nhân, trong đó hơn 80% đến từ các tỉnh và hầu hết phải thuê phòng trọ, nhà trọ.
Tính chung, khoảng 70% công nhân, lao động trên địa bàn TPHCM phải thuê ở tại các khu nhà trọ, phòng trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư. Những nơi này hầu hết là tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh.
Vì vậy, giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, trước hết là các căn hộ cho thuê giá rẻ (giá thuê từ 1 - 3 triệu đồng/tháng), có đủ các tiện ích cơ bản và an toàn hơn, cần được coi là nhiệm vụ chính trị của TPHCM. Đây cũng là việc làm có tính nhân văn và có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị.
Để thực hiện được việc này, TPHCM cần tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ đất công, như tại các nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Láng Le (huyện Bình Chánh); Phạm Văn Cội, nông trường bò sữa (huyện Củ Chi); một số khu đất được quy hoạch đất dự trữ; quỹ đất công được tạo lập trong quá trình quy hoạch các khu đô thị vệ tinh, các KCX-KCN, khu công nghệ cao.
Thời gian qua đã có những doanh nghiệp tư nhân phát triển các dự án nhà ở xã hội và hàng chục ngàn cá nhân, hộ gia đình đầu tư phát triển các khu nhà trọ, phòng trọ. Do đó, TPHCM cần tiếp tục có chính sách khuyến khích hữu hiệu nhằm huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ.
Công nhân tham gia thi kéo co. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài ra, HoREA kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ. Theo Luật Nhà ở, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi.
Trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.
Song, thực tế hiện nay, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội không được vay ưu đãi nên HoREA kiến nghị: Chính phủ cho vay ưu đãi thực hiện dự án nhà ở xã hội; Bộ Tài chính có cơ chế bảo lãnh các nguồn vay ODA để phát triển nhà ở xã hội của các tỉnh, thành khi có nhu cầu. Nếu có thêm nguồn vốn này sẽ tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội với quy mô lớn hơn, nhanh hơn.
Đặc biệt, HoREA kiến nghị Chính phủ thí điểm cho phép doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án nhà trọ, phòng trọ cho thuê để nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, an toàn, an ninh của các phòng trọ, nhà trọ hiện nay.
Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM:
Giám sát chi trả lương, thưởng để đảm bảo đời sống công nhân
2,2 triệu công nhân, người lao động ở TPHCM là nguồn lao động rất lớn, tạo ra giá trị cho TP phát triển. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay của công nhân và cũng là trăn trở của TP là đời sống, công ăn việc làm, lương bổng của công nhân chưa tương xứng với công sức bỏ ra; việc phát huy tay nghề, sáng kiến, sáng tạo của công nhân cũng chưa đúng mức, trong khi tiềm năng rất lớn.
Thời gian qua, TPHCM luôn quan tâm đến đội ngũ công nhân trên địa bàn TP. Rất nhiều hoạt động hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của công nhân được triển khai: vận động nhà trọ không tăng giá; cung cấp điện, nước đúng giá nhà nước; xây nhà trẻ cho con công nhân; tặng quà, tặng vé tàu xe cho công nhân về quê đón tết…
Song phải thẳng thắn nhìn nhận, chừng đó nỗ lực vẫn là chưa đủ. Chúng ta cũng khó có thể nói phát huy truyền thống giai cấp công nhân, nếu công nhân ăn còn không đủ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) có quy định về nâng bậc lương, song lại không áp dụng. Nhiều người lao động làm việc lâu năm cũng như người mới tuyển dụng vẫn xếp vào bậc 1 của thang lương, bảng lương (mặc dù thang lương, bảng lương đã được xây dựng nhiều bậc cách nhau trên 5%).
Với trách nhiệm của mình, hàng năm, ngành lao động tham mưu TP kiến nghị Trung ương lộ trình thực hiện tăng mức lương tối thiểu vùng sao cho mức lương tối thiểu vùng phải cao và phù hợp với khả năng chi trả của DN.
TPHCM đang nỗ lực cùng cả nước để năm 2020 lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân và gia đình của họ. Đồng thời, TP tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh để DN mở mang sản xuất, tạo công ăn việc làm bền vững cho công nhân.
Sở LĐTB-XH TPHCM cũng yêu cầu DN công khai thang bảng lương, định mức lao động và chính sách tiền lương để người lao động giám sát, đảm bảo cho người lao động nhận được đồng lương tương xứng với công sức bỏ ra, tránh đi sự chèn ép.
Tôi cũng yêu cầu thanh tra sở cũng tăng cường thanh - kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực pháp luật về tiền công, tiền lương; xử lý nghiêm các trường hợp không nâng bậc lương cho người lao động, hoặc trả lương không theo thang lương, bảng lương do DN xây dựng.
Sở LĐTB-XH TPHCM tiếp tục mở rộng việc đào tạo nghề cho công nhân, đào tạo trực tiếp ở DN để công nhân không phải đi lại và đáp ứng được nhu cầu của DN.
Đây cũng là nỗ lực bênh vực quyền lợi cho công nhân. Bởi, khi công nhân có tay nghề, chứng chỉ đào tạo đầy đủ, DN buộc phải trả lương tương xứng, không thể trả lương mập mờ hoặc bắt bẻ người lao động.
Với những công nhân ở độ tuổi 35, 40 đã bị DN đào thải, Sở LĐTB-XH tiếp tục mở các sàn việc làm, hội chợ việc làm, tổ chức dạy nghề giúp người lao động có cơ hội tái hòa nhập thị trường lao động trong thời gian sớm nhất.
Ông HUỲNH VĂN TUẤN, Chủ tịch Công đoàn
Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM: Thu nhập phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của công nhân
Theo đánh giá chung, đời sống công nhân tại các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM cơ bản được đáp ứng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận công nhân gặp khó khăn do thu nhập còn thấp, phải tăng ca để đảm bảo cuộc sống. Vì tăng ca nên ngoài thời gian ở nhà máy, họ không còn thời gian giải trí, học tập nâng cao tay nghề. Đó là một thiệt thòi.
Thực tế, với mức thu nhập như hiện nay trong khi vật giá ngày càng leo thang, để đảm bảo được cuộc sống cơ bản như chi phí nhà trọ, điện, nước, con cái đi học, sinh hoạt hàng ngày…, người công nhân phải chi tiêu rất tằn tiện và tất nhiên không thể có dư để tích lũy.
Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nữ công nhân đến tuổi lập gia đình không muốn tiến tới hôn nhân. Bởi họ lo sợ, lấy chồng, sinh con thì phải bắt con chịu khổ theo mình.
Mặt khác, vì phải làm việc tăng ca, họ không có điều kiện, quỹ thời gian gặp gỡ, tiếp xúc, kết bạn, tìm hiểu để tiến tới hôn nhân. Chúng tôi đang nghiên cứu các giải pháp để tạo ra các buổi giao lưu, gặp gỡ nhằm giúp nam, nữ công nhân có thêm điều kiện tìm hiểu nhau nhằm tiến tới hôn nhân, ổn định cuộc sống.
Để hỗ trợ người lao động, chúng tôi đã tăng cường chức năng giám sát các chế độ đối với người lao động tại DN. Ngoài ra, công đoàn khu đã có sự liên kết các đối tác thông qua các chương trình bán hàng giảm giá trực tiếp tại công ty, công nhân mua hàng trước trả tiền sau, siêu thị công đoàn, với những mặt hàng thiết yếu giá ưu đãi…
Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp Trung tâm Hỗ trợ nông nghiệp để đưa sản phẩm sạch đến tay công nhân với giá ưu đãi nhất. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn là làm sao để thu nhập người lao động có thể đáp ứng được mức sống cơ bản hàng ngày của họ.
Ông ĐỖ ĐÌNH THIỆN, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân
Mở rộng, nâng chất các hoạt động chăm lo
Với số lượng khoảng 350.000 công nhân làm việc trên địa bàn, để chăm lo đủ các nhu cầu về vật chất, tinh thần, từ việc ăn ở, sinh hoạt, giải trí, thu nhập…, e sẽ khó. Việc này cần có thời gian và ở góc độ địa phương, chúng tôi tiếp tục thực hiện việc chăm lo cho công nhân theo hướng mở rộng, nâng chất các hoạt động.
Trong đó, sẽ chú trọng thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, giám sát, vận động chủ trọ không tăng giá thuê trọ đối với công nhân, tạo quỹ nhà trọ giá rẻ, gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để công nhân không gặp khó khăn, bị động về chỗ ở.
Cùng với đó, Bình Tân cũng phối hợp với ngành điện lực TP tính lại định mức điện cho công nhân theo giá hộ gia đình, không tính theo giá hộ kinh doanh, để công nhân giảm phần nào khoản chi.
Ngoài ra, trong định hướng xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi, giải trí, địa phương cũng ưu tiên sắp xếp quỹ đất xây dựng ở khu vực có nhiều công nhân ở, sinh hoạt, làm việc để phần nào cải thiện đời sống tinh thần cho công nhân.
Một trăn trở hiện nay của công nhân và cũng là nỗi trăn trở của địa phương lâu nay là thiếu nhà giữ trẻ, giờ giữ trẻ theo quy định chỉ cho phép giữ đến 20 giờ, trong khi giờ làm tăng ca của công nhân lại muộn hơn.
Hiện nay Bình Tân đang công khai, thông tin rộng rãi về quy hoạch đất giáo dục để các nhà đầu tư biết, đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng trường, nhóm lớp giữ trẻ, mầm non phục vụ con công nhân.
Ngoài ra, quận cũng chủ trương giữ trẻ ngoài giờ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Về lâu dài, các KCX-KCN cần đầu tư, dành riêng quỹ đất xây dựng nhà giữ trẻ cho công nhân.