Thế nên mong ước “có được một căn nhà” càng là giấc mơ xa xỉ đối với hầu hết công nhân, đặc biệt là công nhân làm việc bên ngoài các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN).
Loay hoay tìm chỗ ở
Hỗ trợ một phần tiền nhà, thuê nhà trọ tươm tất, xây nhà lưu trú để công nhân có nơi ở khang trang… là cách chăm lo cho công nhân mà nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đã làm để người lao động an tâm sản xuất. Nếu nhiều công nhân đang phải ở trong những căn nhà thuê trọ lụp xụp thì công nhân của Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn lại được ở trong những căn phòng đầy đủ tiện nghi của khu lưu trú công ty trên địa bàn quận 7. Năm 2011, Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn đã đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng khu lưu trú trên để bố trí cho 480 công nhân ở. Mỗi phòng có diện tích 36m2, có nhà bếp, nhà vệ sinh và khu vực phơi quần áo. Trong khu lưu trú còn có phòng đọc sách, phòng internet, khu sinh hoạt chung để công nhân giải trí. Công nhân ở đây không phải trả tiền ở, chỉ chi trả tiền điện, nước theo giá quy định chung.
Tương tự, khi có kế hoạch di dời nhà máy đến KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (quận Tân Phú) quyết định dành một phần kinh phí để mua đất, xây nhà lưu trú cho công nhân. Quyết định này giúp nhiều công nhân vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, kế hoạch xây nhà lưu trú sau đó gặp trở ngại nên công ty đã thuê những căn nhà trọ khang trang, sạch sẽ và đủ tiện nghi, gần nơi sản xuất cho công nhân ở. “Trong tháng 10 này, khi nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động thử nghiệm, công nhân sẽ có nơi ở mà không phải trả một đồng chi phí nào”, ông Phạm Viết Bằng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, khẳng định. Đây cũng là cách giúp công ty giữ được lao động giỏi khi chuyển đổi nơi sản xuất.
Về tổng thể, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TPHCM), khẳng định từ năm 2003, UBND TPHCM đã có kế hoạch đầu tư xây nhà ở cho công nhân tại các KCX, KCN trên địa bàn TP. Hiện nay, một số khu nhà lưu trú công nhân do các doanh nghiệp đầu tư đã giải quyết tốt nhu cầu chỗ ở cho công nhân. Đơn cử, tại quận Thủ Đức có nhà lưu trú của Công ty Thiên Phát, Công ty Nissei Eletric, giải quyết 4.500 chỗ ở cho người lao động; Công ty Worldon (KCN Đông Nam, huyện Củ Chi) cũng giúp 4.600 công nhân có nơi ở ổn định… Trong số này, nhiều nơi công nhân được ở miễn phí, chỉ phải trả tiền điện và nước sử dụng. “Các mô hình khu nhà lưu trú công nhân do các doanh nghiệp đầu tư rất đa dạng và cần khuyến khích, nhân rộng”, ông Phan Trường Sơn nhận xét.
Tuy nhiên, thực tế số lượng nhà lưu trú nêu trên chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu về chỗ ở của công nhân. Còn hầu hết công nhân hiện nay phải ở tại các khu nhà trọ do người dân xây dựng. Điển hình như trường hợp của chị Trần Thanh Nhàn (quê Trà Vinh, công nhân may tại huyện Hóc Môn). Nếu các bạn làm việc cùng công ty đang được ở những căn phòng tươm tất thì gia đình chị Thanh Nhàn chỉ có thể thuê căn phòng trọ nhỏ, cũ. Ngoài bất tiện là nhà tắm, nhà vệ sinh phải sử dụng chung cho cả 5 phòng trọ thì trước hành lang dãy nhà cũng rất ẩm ướt. “Trước đây, tôi thuê chung với các chị đồng nghiệp ở căn phòng sạch sẽ, giá thuê cao. 2 năm nay, từ khi lập gia đình và sinh con, tôi chỉ có thể thuê nơi này, tuy giá thuê rẻ hơn các nơi khác 30% và tôi dành số dư đó để mua sữa cho con và gửi bé đi nhà trẻ, nhưng lại bất tiện nhiều thứ khác”, chị Thanh Nhàn tâm sự. Khi đề cập đến việc tích lũy để mua nhà riêng, chị Thanh Nhàn cười gượng: “Đó chỉ là giấc mơ thôi! Với lương công nhân ba cọc ba đồng thì biết bao giờ mới đủ tiền mua nhà”.
Trông chờ nhà trọ… của dân
Vào năm 2009, UBND TPHCM từng đặt chỉ tiêu đến năm 2015 sẽ xây dựng khoảng 100.000 chỗ ở cho công nhân làm việc trong các KCX, KCN. Tuy nhiên, kết quả chỉ đạt gần 34.900 chỗ ở. Số liệu từ Sở Xây dựng TPHCM ghi nhận, TPHCM hiện có khoảng 377.000 công nhân, lao động đang làm việc tại nhiều doanh nghiệp trong các KCX, KCN. Trong số này, có khoảng 264.000 công nhân đến từ các tỉnh, thành khác nên có nhu cầu về chỗ ở. Mặc dù TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhưng hiện chỉ giải quyết được 15% nhu cầu và số công nhân còn lại phải thuê các khu nhà trọ, phòng trọ tư nhân.
Dự báo đến năm 2020, TPHCM có khoảng 400.000 công nhân làm việc tại các khu vực công nghiệp tập trung; trong đó, 280.000 công nhân có nhu cầu về chỗ ở. Đây sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn mà TPHCM phải đối mặt để giải quyết nơi ở ổn định cho công nhân. Chưa kể, nếu tính cả số lượng công nhân đang làm việc bên ngoài các KCX, KCN, toàn TPHCM có khoảng 2,2 triệu công nhân và bài toán chỗ ở cho công nhân càng thêm mịt mù. Theo ông Phan Trường Sơn, các dự án công xây nhà lưu trú cho công nhân chưa thể đạt kế hoạch đặt ra. Song với sự phát triển của khu nhà trọ, phòng trọ do các hộ gia đình đầu tư thì cơ bản TPHCM đáp ứng được chỗ ở, góp phần ổn định cuộc sống cho công nhân. Về mục tiêu TPHCM phát triển thêm 240.000 chỗ ở cho công nhân đến năm 2020, dự kiến, doanh nghiệp sẽ đầu tư khoảng 30.000 chỗ ở. Số còn lại (210.000 chỗ ở) vẫn trông cậy vào hộ gia đình, cá nhân đầu tư theo hình thức “xã hội hóa” loại hình nhà trọ, phòng cho thuê.
Cũng theo ông Phan Trường Sơn, hiện có nhiều dự án nhà lưu trú cho công nhân chưa được đầu tư đồng bộ về trung tâm sinh hoạt, trung tâm y tế, khu giữ trẻ… Một số khu nhà lưu trú xa nơi công nhân làm việc, có nơi quy định khắt khe về giờ giấc, hoặc chỉ cho người độc thân thuê nên không thuận lợi cho công nhân sinh hoạt, đi lại… Những lý do này làm hạn chế một phần hiệu quả của các dự án nhà lưu trú. Vì vậy, việc khuyến khích hộ gia đình, cá nhân đầu tư nhà trọ là giải pháp không kém phần quan trọng để giải quyết nhu cầu thực sự về chỗ ở của công nhân.
“TPHCM rất quan tâm, khuyến khích các hộ gia đình đầu tư nhà trọ cho công nhân thuê. Thời gian tới, TPHCM tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn vay kích cầu cho các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà trọ, phòng trọ cho công nhân thuê ở. Đồng thời, Sở Xây dựng TPHCM đang nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích loại hình xã hội hóa nhà trọ, phòng trọ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và đáp ứng phần lớn nhu cầu chỗ ở cho công nhân làm việc trong các KCN tập trung nói riêng và công nhân, người lao động đang sinh sống, làm việc tại TPHCM nói chung” , ông Phan Trường Sơn cho biết.
Ông PHAN TRƯỜNG SƠN, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM: Ưu tiên bố trí đất sạch xây nhà lưu trú Chương trình Phát triển nhà ở vừa được UBND TPHCM thông qua, đặt mục tiêu đến năm 2020, thành phố hoàn thành 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân. Số chỗ ở này là loại nhà lưu trú do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại 3 khu vực có các KCX, KCN như quận 2, 9, 12, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi. Để thực hiện mục tiêu này, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nhà lưu trú công nhân TP đã đề xuất một số giải pháp như tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt, TPHCM sẽ ưu tiên bố trí các quỹ đất sạch, quỹ đất phù hợp quy hoạch, gần các KCN tập trung để xây nhà lưu trú cho công nhân. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, mở rộng đối tượng được vay vốn kích cầu với thời hạn 10 năm để thu hút doanh nghiệp xây nhà lưu trú cho công nhân. Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM: Giúp công nhân có nơi ở tươm tất, đủ tiện nghi Xây dựng nhà ở xã hội, các khu thiết chế văn hóa, trong đó có nơi ở cho công nhân là điều trăn trở và tâm huyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TPHCM cũng như của lãnh đạo TP. Hiện TPHCM cũng đã dành một số khu đất thuận tiện để tiến hành khảo sát, thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm sớm triển khai, thực hiện khu thiết chế văn hóa như kế hoạch Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra. Do đặc thù của TPHCM nên để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của công nhân thì không chỉ tính đến việc làm sao để họ sở hữu một căn nhà, mà trước nhất phải là giúp công nhân có nơi ở một cách tươm tất, đủ tiện nghi với giá tốt nhất. Nhất là sự phối hợp với các chủ nhà trọ để đảm bảo không tăng giá thuê nhà, cũng như giúp người lao động được sử dụng điện, nước theo giá quy định. |