Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, thông tin tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 98 của Chính phủ về thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, do Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 13-11.
Không còn ngược đãi, xúc phạm thân thể người lao động
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, toàn thành phố hiện có khoảng 9 triệu người. Số người trong tuổi lao động chiếm hơn 50% và có hơn 97% người trong tuổi lao động có việc làm. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW, bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác về xây dựng quan hệ lao động dần hoàn thiện về kiến thức, kỹ năng và phương pháp xử lý các vấn đề về quan hệ lao động. TPHCM cũng hình thành và phát huy cơ chế chủ động phòng ngừa các vụ tranh chấp lao động tập thể có thể dẫn đến đình công tự phát; hình thành và dần phát huy hiệu quả một số thiết chế căn bản để xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp (DN), hỗ trợ DN xây dựng quan hệ lao động. Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động được quan tâm, tạo nền tảng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN.
Qua đó, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TPHCM chuyển biến tích cực. Số vụ, số người tham gia tranh chấp lao động tập thể giảm đều qua các năm. Tính chất các vụ tranh chấp ôn hòa hơn giai đoạn 2008 trở về trước và không còn tình trạng người quản lý lao động ngược đãi, xúc phạm thân thể, nhân phẩm người lao động.
Tuy vậy, những năm gần đây có tình trạng công nhân ngừng việc. Dù không xuất phát từ mâu thuẫn trong quan hệ lao động, nhưng việc này làm doanh nghiệp ngưng sản xuất và gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. “Nguyên do các đối tượng xấu kích động, ép buộc công nhân tham gia”, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp nhận xét và cho rằng, một bộ phận công nhân hạn chế tiếp cận các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thụ động tiếp nhận các thông tin xấu, sai lệch từ mạng xã hội.
Chia sẻ thêm về tình trạng này, Thượng tá Nguyễn Phước Thường, Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế, Công an TPHCM, cho biết tại các khu chế xuất (KCX) - khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ trộm, cướp giật gây rối, đánh nhau…
Song, đáng chú ý là các vụ đình, lãn công không đúng quy định pháp luật. Trong các vụ việc này có tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng các vấn đề nhạy cảm tuyên truyền, xuyên tạc để lôi kéo công nhân và kích động tuần hành, biểu tình gây mật an ninh trật tự với quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng manh động, nguy hiểm.
Thượng tá Nguyễn Phước Thường lưu ý các đối tượng chống đối tận dụng sự phát triển của mạng xã hội (Facebook, zalo…) để xuyên tạc và kêu gọi, kích động công nhân tham gia đình công, lãn công, biểu tình trái pháp luật với âm mưu là biến công nhân thành lực lượng chống đối chính trị.
Qua nghiệp vụ, Công an TPHCM phát hiện một tổ chức tự gọi là “Lao động Việt” có các hoạt động móc nối, lôi kéo công nhân tham gia hình thành tổ chức công đoàn đôn lập chống Đảng, chống Nhà nước. Đây là tổ chức do Trần Ngọc Thành (Áo) làm chủ tịch, với danh nghĩa hoạt động bảo vệ lợi ích cho công nhân, người lao động. Để lôi kéo, phát triển lực lượng, Trần Ngọc Thành đã chuyển tiền và cử người tiếp cận, lôi kéo công nhân.
“Công nhân có trình độ hiểu biết về chính trị, pháp luật còn hạn chế, rất dễ bị lôi kéo, lợi dụng”, Thượng tá Nguyễn Phước Thường phân tích. Do đó, việc quan trọng là cần tăng cường phối hợp năm tình hình ở các nơi tập trung đông công nhân sinh sống, tạm trú; triển khai các biện pháp phòng ngừa. Từ đó ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu các dấu hiệu phức tạp trong công nhân; đồng thời theo dõi chặt các đối tượng có hoạt động lợi dụng công nhân thực hiện ý đồ xấu.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân
Bày tỏ đồng tình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, cho biết các thế lực thù địch tìm nhiều cách đưa các lực lượng thâm nhập, tác động và kích động công nhân. Kênh phổ biến là thông qua các phương tiện thông tin, nhất là mạng xã hội.
“Từ đó đặt ra câu hỏi, lực lượng của chúng ta đã tận dụng những mạng xã hội này như thế nào đề phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền?”, đồng chí Ngô Minh Châu băn khoăn và dẫn chứng vụ ngưng việc tập thể tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) là minh chứng cho thấy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể chậm nắm bắt thế mạnh của mạng xã hội và thiếu khéo léo trong xử lý thông tin. Điều này tạo cơ hội cho các thế lực thù địch kích động, tạo nên làn sóng phản ứng dây chuyền trong công nhân.
Nhấn mạnh đến vai trò của lực lượng công đoàn, tổ chức chính trị - xã hội là rất quan trong, đồng chí Ngô Minh Châu tin tưởng, các tổ chức này hoạt động có uy tín, khéo léo xử lý hài hòa các xung đột sẽ kéo giảm được đình công. Ngược lại, hoạt động của các tổ chức này không đi vào thực chất, chỉ theo hình thức, không đại diện được quyền lợi cho công nhân và nhất là không tận dụng được các công cụ tuyên truyền từ các trang mạng xã hội thì đây sẽ là “mảnh đất” tốt để các lực lượng xấu thâm nhập, kích động.
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung khẳng định, Thành ủy luôn xác định, công tác xây dựng và phát triển quan hệ lao động, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW, như đời sống người lao động còn khó khăn, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, kích động. Trong khi đó, một số DN vẫn chưa chấp hành quy định pháp luật lao động, nhất là BHXH, tiền lương, quy định tiền lương làm thêm giờ…
“Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra việc làm mới nhưng gây nguy cơ mất việc làm. Kinh tế chia sẻ thông qua các ứng dụng công nghệ mới cũng tác động đến quan hệ lao động, dẫn tới phát sinh các xung đột mới trong quan hệ lao động”, đồng chí Võ Thị Dung cảnh báo nguy cơ dẫn đến tranh chấp lao động.
Do đó, đồng chí yêu cầu tập trung nhiều giải pháp để giữ vững ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích các bên trong quan hệ lao động.
Cùng đó là có giải pháp kịp thời ngăn chặn, phản bác các thông tin sai lệc, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ lao động và tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Công đoàn ngại va chạm với chủ sử dụng lao động Từ năm 2008 đến năm 2018, toàn TPHCM đã xảy ra ra 1.022 vụ đình công với hơn 391.070 người tham gia. Trong đó, từ năm 2008 đến năm 2013 có 737 vụ (chiếm hơn 73 % so với tổng số vụ đình công) với 289.260 người tham gia (74% so với tổng số người tham gia). Từ năm 2014 đến năm 2018 xảy ra 285 vụ (chiếm gần 28% tổng số vụ đình công) với 101.811 người tham gia (chiếm 26% tổng số người tham gia). Đình công xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan (gần 70% tổng số doanh nghiệp nước ngoài đình công), xảy ra ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện, điện tử (dệt may và da giày là 2 ngành có tỷ lệ đình công cao nhất, trên 85%). Nguyên nhân đình công là việc đòi nợ lương, đề nghị công khai chi trả lương, thưởng Tết Nguyên đán, thanh toán tiền phép năm và việc thực quy định như tiền lương làm thêm giờ; đề nghị tăng tiền lương, thực hiện quy định về tiền lương làm thêm giờ... Ngoài ra, một số doanh nghiệp FDI thua lỗ dẫn đến nợ lương, nợ BHXH, chủ bỏ trốn về nước. Trong các cuộc đình công, thành phần tham gia là tập thể người lao động bị vi phạm quyền và lợi ích chính đáng; đại diện cho tập thể người lao động là nhóm người cùng làm việc chung trong một chuyền, tổ sản xuất. Đa số ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ biết sự việc sau khi tập thể người lao động đình công. Công đoàn cơ sở chưa đóng vai trò đại diện tập thể người lao động do chưa đủ năng lực, ngại va chạm với người sử dụng lao động, chưa nắm bắt tâm tư nguyện vọng để đại diện cho tập thể người lao động đối thoại người sử dụng lao động. |