Công nhân thời 4.0

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Thái Nguyên, nhằm giúp người làm trong lĩnh vực thông tin - tuyên truyền hiểu rõ hơn về tình hình sản xuất, mức thu nhập và điều kiện sống của người lao động.

IMG_4425.jpeg
Khảo sát thực tế tình hình sản xuất tại các nhà máy. Ảnh: VĂN PHÚC

Vào lò luyện, cán thép

Trong các lò luyện và cán thép, nhiệt độ duy trì ở mức rất cao, những chiếc quạt phun hơi nước phải hoạt động liên tục.

IMG_4557.jpeg
Đoàn nhà báo đi khảo sát thực tế tình hình sản xuất của công nhân lao động ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: HÀ QUÂN

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, công nhân Từ Như Chức, bộ phận kỹ thuật của Nhà máy Cán thép Thái Trung (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên ở TP Thái Nguyên), chia sẻ: Khai thác mỏ và hầm lò là những ngành nguy hiểm nhất, còn luyện và cán thép là công việc nặng nhọc nhất. Chúng tôi làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, tiếp xúc với kim loại nóng chảy, đòi hỏi nhiều sức lực. Tiếng ồn và khói bụi là những yếu tố đặc trưng của ngành, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe công nhân.

IMG_4442.jpeg
Những cỗ máy, dây chuyền cán thép luôn đỏ rực ở nhiệt độ 1.200 độ C. Ảnh: VĂN PHÚC

Theo các công nhân, vào mùa hè, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, công việc càng trở nên khắc nghiệt hơn. Công nhân Trần Đức Hưng từ Nhà máy luyện thép Lưu Xá cho biết, để sản xuất ra các lô phôi thép lớn, khoảng 400 công nhân phải chia ca làm việc trong các phân xưởng với nhiệt độ lên tới 1.600 độ C. Tiếng ồn tăng theo công suất, đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Đại diện Nhà máy cán thép Thái Trung cho biết, mức lương trung bình của công nhân khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Công ty hiện còn khoảng 250 công nhân, một phần đã chuyển nghề, một phần giảm do quá trình tinh giản lao động khi công ty áp dụng dây chuyền công nghệ và máy móc thay thế sức người.

IMG_4437.jpeg
Hệ thống dây chuyền cán thép tự động ở khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_4448.jpeg
Trong các phân xưởng, lượng công nhân giảm đáng kể, chủ yếu là máy móc, dây chuyền tự động sản xuất. Ảnh: VĂN PHÚC

Thực tế tại các phân xưởng cho thấy số lượng công nhân đã giảm đáng kể nhưng sản lượng vẫn được đảm bảo theo hợp đồng, thậm chí công suất còn tăng nhiều lần so với khi còn sản xuất thủ công. Hiện tại, Nhà máy cán thép Thái Trung có công suất đạt 500.000 tấn/năm. Trong khi, nhà máy luyện thép bên cạnh, do sử dụng công nghệ cũ hơn, chỉ đạt 200.000 tấn/năm và cần nhiều lao động hơn, với khoảng 100 người.

IMG_4466.jpeg
Tự động hóa trong các nhà máy đã giúp giảm bớt sức người. Ảnh: VĂN PHÚC

“Hiện nay, có những dây chuyền chỉ cần 1-2 người điều khiển”, anh Chức cho biết. Nhờ dây chuyền tự động hóa, công tác an toàn lao động đã được đảm bảo trong 4-5 năm qua. Anh Trần Đức Hưng cũng chia sẻ, nhờ việc ứng dụng công nghệ, khoảng cách an toàn giữa công nhân và lò luyện thép đã được duy trì tốt hơn. “Dù máy móc đã thay thế phần lớn sức người nhưng điều đó không có nghĩa là công nhân bị loại khỏi dây chuyền sản xuất. Nhà máy vẫn phân bổ công việc phù hợp cho công nhân”, anh Hưng nói.

IMG_4433.jpeg
Phôi thép trước khi đưa vào cán
IMG_4429.jpeg
Thép sản phẩm sau khi được cán. Ảnh: VĂN PHÚC

Anh Từ Như Chức cũng cho biết, tổ chức công đoàn cơ sở của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên cùng với Công đoàn Việt Nam luôn quan tâm đến các chính sách hỗ trợ người lao động. Công đoàn chú trọng đảm bảo an toàn lao động, cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu tiếng ồn, khói bụi và chăm sóc sức khỏe cho công nhân, đồng thời tổ chức các đợt nghỉ dưỡng để phục hồi sức lao động.

Không loại bỏ hoàn toàn lao động

Ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, cho biết, hiện toàn công ty có 15 đơn vị thành viên với 3.211 lao động. Nếu tính thêm các công ty con và công ty liên kết, tổng số đoàn viên công đoàn là hơn 4.400 người. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nhưng công ty đã đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

IMG_4441.jpeg
Trong lò cán thép của Công ty cổ phần cán thép Thái Trung

Ông Hạnh cho biết, việc áp dụng công nghệ giúp giảm đáng kể số lượng công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nhưng không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn lao động. Thay vào đó, những công nhân không còn làm việc trực tiếp trên dây chuyền sản xuất sẽ được sắp xếp vào những vị trí phù hợp hơn, trong khi sản lượng vẫn đảm bảo và công suất tăng lên đáng kể.

IMG_4463.jpeg
Công nhân là vốn quý, không loại hoàn toàn người lao động mà cần sắp xếp vào những công việc hợp lý. Ảnh: VĂN PHÚC

Còn theo bà Hoàng Thu Hằng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên, tổ chức công đoàn luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn và nâng cao phúc lợi cho người lao động.

IMG_4505.jpeg
Bà Hoàng Thu Hằng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên trao đổi với báo chí. Ảnh: ĐỖ BÌNH

“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp để giám sát công tác an toàn lao động, đồng thời tổ chức huấn luyện và tuyên truyền cho công nhân về các quy tắc an toàn. Việc nâng cao tay nghề và kỹ năng của công nhân cũng được chú trọng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ”, bà Hằng nói.

Clip vào các lò luyện và cán thép ở tỉnh Thái Nguyên. Thực hiện: VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục