Chiều 6-8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có phiên họp toàn thể, cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi.
Điều hành nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, Ủy ban đã tổ chức tới 14 cuộc họp trên toàn quốc và thực hiện nhiều chuyến đi thực tế để thu thập ý kiến, hoàn thiện dự án Luật này.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, qua nghiên cứu hàng trăm ý kiến ĐBQH, đại diện các hiệp hội, tổ chức quốc tế và người lao động, hiện nay còn 8 nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó có phạm vi điều chỉnh; khung thỏa thuận thời gian làm thêm; tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thương; tổ chức đại diện cho người lao động; điều kiện và trình tự tiến hành đình công… Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu có nên được trao thêm cho cả Thanh tra Lao động (thay vì chỉ Toà án mới được quyền quyết định như hiện nay hay không) cũng là một vấn đề còn có sự khác biệt quan điểm lớn. Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý, dự thảo Luật vẫn còn tới 40 nội dung giao cho Chính phủ quy định.
Bày tỏ quan điểm dung hòa, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi đề nghị Luật quy định theo hướng cho phép mở rộng thêm 100 giờ làm thêm so với quy định cũ, nhưng chỉ trong một số ngành nhất định. Đồng thời, tiền lương làm thêm cần được tính lũy tiến.
“Hiện chúng tôi đưa ra hai phương án cho cách tính tiền lương lũy tiến để xin ý kiến. Thứ nhất là tính ngay từ giờ đầu tiên, ngày đầu tiên làm thêm, thứ hai là tính từ giờ thứ 301 trở đi cho đến giờ thứ 400”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, các ý kiến vẫn chưa ngã ngũ. Đáng lưu ý là trong khi cơ bản tán thành các trường hợp đặc thù được kéo dài tuổi nghỉ hưu, thì “rất nhiều ý kiến đề nghị nêu rõ danh mục các loại công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, suy giảm khả năng lao động cần được nghỉ hưu sớm”.
Đề cập đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Bộ luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong bảo lưu quan điểm Bộ luật phải có những điều khoản để bảo vệ các đối tượng yếu thế - người lao động trong khu vực phi chính thức.
“Tai nạn lao động xảy ra chủ yếu ở khu vực phi chính thức mà không xử lý được, rất thiệt thòi cho người lao động”, ông Đặng Thuần Phong nói.
Đồng tình với Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, ông Đặng Thuần Phong yêu cầu quy định tuổi nghỉ hưu gắn với đặc thù nghề nghiệp.
“Như nghề than, 45 tuổi làm hết nổi rồi, chứ đừng nói 50 tuổi. Thể thao, cô nuôi dạy trẻ… cũng là những nghề đặc thù”.
Về cách tính lương lũy tiến cho giờ làm thêm, ông Đặng Thuần Phong cho rằng nên tính theo ngày chứ không cộng dồn và cho biết “các nước cũng làm như vậy”.
Đặc biệt, ông Đặng Thuần Phong bày tỏ quan ngại về những tiêu cực xảy ra trong một số đơn vị sự nghiệp công lập, mà “vụ việc ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một điển hình”.
Ông Đặng Thuần Phong cho rằng, Luật cần phải bổ sung những nội dung làm rõ quan hệ lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập, trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị sự nghiệp công lập…
“Quy định về làm thêm giờ phải cân nhắc đồng thời với vấn đề năng suất lao động và nhu cầu thực tế của đơn vị sử dụng lao động. Tôi cho là nên cho phép khung giờ lao động làm thêm tối đa là 300 giờ. Cách tính lương làm thêm giờ như hiện nay là phù hợp điều kiện kinh tế xã hội rồi, không cần sửa đổi thêm”, ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận định.
Ông Giàng A Chu đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu, song cho rằng ngoài tính chất nghề nghiệp, cần tính đến cả yếu tố địa bàn khó khăn khi quy định tuổi về hưu.