Tại quận Gò Vấp, thời gian gần đây xảy ra tình trạng người thuê bỏ nhà trọ về quê. Trên các con đường Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, người đi đường dễ dàng bắt gặp các biển treo cho thuê phòng trọ giá rẻ, với đầy đủ tiện nghi để thu hút khách nhưng vẫn vắng vẻ.
Một khu nhà trọ tại hẻm 549 Lê Văn Thọ (phường 14, quận Gò Vấp). Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (quê Quảng Bình) thuê trọ trên đường Phạm Văn Chiêu cũng đang rục rịch chuyển dần đồ đạc để ít ngày nữa về quê hẳn. Chị Hà là công nhân một công ty may nhưng mấy tháng nay đều bị cắt giảm giờ làm, lương vì thế cũng không ổn định nên chị phải tranh thủ làm các công việc khác để có thêm thu nhập.
Còn anh Phúc, chồng chị Hà sau khoảng thời gian làm việc tại xưởng cũng tranh thủ chạy grab buổi tối để có thêm thu nhập. Tuy vất vả nhưng tiền cũng không kiếm được bao nhiêu nên anh chị quyết định về quê tìm công việc mới.
Khu nhà trọ treo biển cho thuê giá rẻ tại đường Phạm Văn Chiêu (phường 14, quận Gò Vấp). Ảnh: HẢI NGỌC |
“Ở thành phố một tháng phải chi trả các khoản chi phí nào là ăn ở rồi đi lại, chưa kể tiền ăn học của con cái. Tiền lương kiếm không đủ so với việc chi tiêu của gia đình nên tụi em đành phải về lại quê. Ở quê tuy cũng khó khăn nhưng lại được gần gia đình, cũng có mảnh vườn nhỏ có thể trồng rau, nuôi gà để có bữa qua ngày”, chị Hà ngậm ngùi nói.
Quanh các khu công nghiệp lớn của TPHCM, thực trạng này còn rõ hơn. Con đường Trần Thanh Mại thuộc phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) dài chỉ vỏn vẹn vài km nhưng có hàng chục biển cho thuê phòng trọ. Đây là con đường được coi là “thủ phủ phòng trọ”, thường được công nhân tại các khu công nghiệp trong vùng thuê. Thời điểm cuối tháng 11, khu vực này đìu hiu, không có khách thuê phòng.
Dãy nhà trọ khoá cửa im lìm, không ai thuê từ đầu năm 2023 đến nay tại khu nhà trọ của chị Phạm Thị Trang trên đường Trần Thanh Mại (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân). Ảnh: HẢI NGỌC |
Chị Phạm Thị Trang (45 tuổi), quản lý một khu nhà trọ tại đây cho hay, hiện nay khu phòng trọ của chị còn trống tới chục phòng chưa có người thuê. Gần đây, công nhân thuê phòng tại đây bị cắt giảm, không xin được việc làm nên không còn khả năng chi trả các khoản phí sinh hoạt. Vì vậy, nhiều người quyết định trả phòng trọ về quê tìm việc làm mới.
“Cũng phải tới nửa năm nay, khu trọ của mình hoàn toàn trống không có ai đến hỏi thuê. Mọi năm thì chỉ trống một, hai phòng nhưng từ đầu năm đến nay là trống phòng trường kỳ. Giờ mình cũng đang tìm thêm việc làm để có thêm chi phí trang trải trong gia đình”, chị Trang chia sẻ.
Biển cho thuê phòng được dựng ngay trước cửa nhà tại khu vực phường Tân Tạo A (quận Bình Tân). Ảnh: HẢI NGỌC |
Cũng tại một khu trọ gần đó, anh Đinh Văn Phước (50 tuổi) - chủ dãy trọ 20 phòng cho hay, tình hình kinh tế ảm đạm, nguồn thu nhập của gia đình anh lâu nay có được từ việc cho thuê phòng nhưng hiện tại tháng nào cũng giảm gần chục triệu đồng.
Anh Phước nói: “Người thuê ở đây chủ yếu là công nhân làm việc ở khu công nghiệp nhưng vì hiện nay họ bị cắt giảm việc làm, nhiều người còn nghỉ việc nên đã xin lại cọc để chuyển về quê ở. Để giữ khách thuê, có những phòng giá dao động từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng nay mình phải chủ động giảm bớt vài trăm ngàn đồng”.
Anh Phước cũng cho biết thêm, phía trên cho thuê, phía dưới gia đình anh mở thêm quán tạp hóa nhỏ để kinh doanh thêm. Có những đợt anh còn bày bán các món ăn sáng để phục vụ công nhân đi làm sớm nhưng cũng không được là bao. Giờ đây, anh Phước chuẩn bị chạy xe công nghệ để có chi phí trả lãi ngân hàng, vì lúc trước phải vay nhiều để đầu tư phòng ốc cho thuê trọ.
Khu nhà trọ cho công nhân thuê tại phường Linh Trung (TP Thủ Đức). Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, nhiều chủ trọ chấp nhận giảm tiền thuê từ 20-30% để hút khách thuê mới. Với những khách thuê lâu năm, không may mất việc, giãn giờ làm, chủ trọ cho trả góp hoặc nợ tiền nhà từ 1-2 tháng.
Một số chủ trọ còn nâng cấp phòng trọ khang trang hơn, lắp đặt thêm nhiều tiện ích như wifi, khu vực để xe riêng nhằm thu hút khách đến thuê.