Công nhận Khu Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Chư Mom Ray là khu du lịch cấp tỉnh

Khu Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có diện tích rộng trên 10.600ha, sẽ là nơi giúp du khách thoả sức khám phá thiên nhiên, ngắm nhìn thú rừng và chinh phục các ngọn núi hùng vĩ.

z5208937169568-15c3ffe283bd109d2cb1b60b7f8954f5-3247.jpg
Khu Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray có nhiều thác nước tuyệt đẹp

Ngày 2-3, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định công nhận Khu Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray là Khu du lịch cấp tỉnh.

Khu du lịch này bao gồm: Điểm du lịch Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái; Điểm du lịch sinh thái rừng khộp; Điểm du lịch sinh thái Safari Ya Book với tổng diện tích hơn 10.600ha.

z5208937169167-7593f2a00ab63c28c453c3e9db28813c-9873.jpg
Quần thể rừng khộp ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray

Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết, vườn có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, điểm du lịch Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái là nơi bảo tồn các loài lan rừng, vườn ươm cây lâm nghiệp, vườn thực vật, khu vực cứu hộ động vật hoang dã, khu nuôi động vật bán hoang dã, thích hợp cho khách tham quan, cắm trại, chinh phục đỉnh Yên Ngựa và Đỉnh Chư Mom Ray.

Điểm du lịch sinh thái rừng khộp là sinh cảnh rừng khộp tuyệt đẹp mang đặc trưng của Bắc Tây Nguyên, thích hợp cho hoạt động trải nghiệm ngoài trời, khám phá thiên nhiên hùng vĩ.

z5208937169166-6f28c8bf6d07eb680bb08c54c857ddc6-4372.jpg
Hệ sinh thái đa dạng của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray

Điểm du lịch sinh thái Safari Ya Book là đồng cỏ rộng lớn, là sinh cảnh sống của các loài thú móng guốc như nai, bò tót, mang, thích hợp cho du khách yêu động vật, quan sát thú đêm.

Cũng theo Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, việc được công nhận là khu du lịch sẽ giúp vườn có điều kiện để quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc để phục vụ du khách, góp phần bảo vệ đa dạng hệ sinh thái.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vườn; tăng cường quảng bá tiềm năng; đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ du lịch; liên kết với cộng đồng vùng đệm để cùng làm du lịch, bảo tồn văn hóa bản địa, nâng cao đời sống cho người dân sống gần rừng”, ông Đào Xuân Thủy nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục