Điều đáng mừng là các khóa đào tạo đã thu hút rất đông công nhân tham gia, dù nhiều người rất khó khăn về thời gian, kinh phí, nhưng quyết tâm trở lại giảng đường đã thôi thúc họ tiến bước.
Lớp đào tạo giúp công nhân nâng cao tay nghề tại Công ty Juki Việt Nam
Vợ chồng cùng đi học
Hơn một tháng nay, đều đặn mỗi chiều thứ hai, tư, sáu, sau giờ tan ca, anh Đào Thanh Phong (26 tuổi, công nhân Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM) lại vượt hơn 30km từ huyện Củ Chi lên quận 1 học lớp đại học hệ vừa học vừa làm dành cho công nhân. Nhìn cách các sinh viên công nhân chăm chú nghe giảng bài, ghi chép, trao đổi cùng giảng viên sẽ thấy được tinh thần khát khao tiếp tục con đường học tập của họ.
“Em đăng ký khóa học này ngay khi biết thông tin mở lớp. Bởi em nghĩ, chỉ có tiếp tục học tập nâng cao trình độ thì mới mong theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ. Hơn nữa, mình còn trẻ, trước đây không có điều kiện học tiếp thì nay phải nỗ lực để hoàn thành ước mơ còn dang dở”, Thanh Phong chia sẻ. Để tiếp tục sự học, Phong và gia đình phải cố gắng rất nhiều, nhất là về vấn đề kinh tế. Vợ Phong dù mới sinh con được vài tháng vẫn động viên chồng đến lớp. Với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, gia đình Phong phải thắt chặt chi tiêu để anh có thể đi học. “Rất may là trường giảm 30% học phí và công ty cũng hỗ trợ 20% chi phí đi học. Lần này em quyết tâm có tấm bằng đại học cho ba mẹ vui lòng”, Phong cho biết.
Đây là một trong các chương trình thực hiện “Năm vì lợi ích đoàn viên” do LĐLĐ TPHCM tổ chức. Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, lớp học của Phong là mô hình vừa làm vừa học đầu tiên trong cả nước dành cho công nhân trực tiếp sản xuất. Đây cũng là giải pháp mà tổ chức công đoàn thực hiện để nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân, giúp công nhân chủ động thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong hơn 60 sinh viên công nhân đang theo học, có nhiều trường hợp vợ chồng cùng tham gia. Phần lớn những công nhân này đều đã rời ghế nhà trường từ rất lâu. “Sau giờ ở xưởng thì tôi là sinh viên. Nếu không học để nâng cao trình độ, thêm kiến thức, tôi sợ mình sẽ bị tụt hậu”, anh Hà Đức Hậu, công nhân Xí nghiệp In Tài chính, bày tỏ.
Học tại xưởng
Trong khi đó, một trong những cách mà Sở LĐTB-XH TPHCM làm để giúp công nhân nâng cao tay nghề chính là mở lớp đào tạo, dạy nghề ngay tại trụ sở công ty. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: “Chúng tôi đưa lớp học đến ngay xưởng làm việc thì công nhân không có lý do gì để bỏ học. Chúng tôi kỳ vọng các lớp học sẽ giúp bồi dưỡng và cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề cho công nhân nhằm thích ứng với sự phát triển của công nghệ”.
Trong hơn 3 tuần, Sở LĐTB-XH phối hợp cùng các trường nghề đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho công nhân ngay tại công ty. Công ty TNHH Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận) là nơi mở lớp học đầu tiên. Khóa đào tạo chia làm 3 lớp và thu hút 60 công nhân tham gia. Thời gian qua, công ty này đặt mục tiêu tăng năng suất lao động mỗi tháng là 1%, cả năm phải tăng 12% năng suất. Để làm được điều đó, công ty không ngừng cải tiến khoa học kỹ thuật và nâng cao tay nghề cho người lao động. Từ năm 2016, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, công ty đã lắp đặt 2 cánh tay robot với chi phí gần 200.000USD ở bộ phận gia công. Nhờ đó tại dây chuyền này, nếu trước đây cần 13 công nhân thì nay chỉ cần 1 người giám sát. Không chỉ vậy, nhiều máy móc công nghệ cũ cũng được thay thế bằng thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên, theo ông Đào Quốc Cường, Giám đốc nhân sự Công ty Juki Việt Nam, dù có máy móc thay thế con người nhưng công ty vẫn cần rất nhiều công nhân. “Những công nhân dư ra từ bộ phận gia công, chúng tôi sẽ đào tạo lại và bố trí làm ở các vị trí khác trong khu vực mở rộng sản xuất. Do vậy, những lớp đào tạo ngay tại công ty giúp ích rất nhiều cho công nhân cũng như đơn vị trong vấn đề nâng cao tay nghề người lao động”, ông Cường cho biết.
Phó Giám đốc Sở LĐTB - XH Nguyễn Văn Lâm cho biết, từ nay đến hết năm 2020, TPHCM sẽ mở các lớp đào tạo miễn phí cho công nhân ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, với 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 8 nhóm ngành dịch vụ mà TPHCM đang muốn đẩy mạnh, như: Cơ khí, công nghệ thông tin, hóa dược, điện tử, chế biến thực phẩm…