Giảm sức người, tăng năng suất
Đó là câu chuyện của một doanh nghiệp ngành may mặc - Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Bà Trần Thị Khánh Quyên, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết, với ngành may mặc, hiện tại, hầu như người lao động không bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình tự động hóa, đổi mới dây chuyền công nghệ và chuyển đổi số. Bởi, với đặc thù của ngành may mặc, lao động chân tay vẫn là chủ lực, hệ thống sản xuất chủ yếu vẫn là bán tự động. Tuy nhiên, việc cải tiến, ứng dụng công nghệ như cải tiến tay cắp cộp nhiệt tự động, máy cấp và xâu thẻ bài tự động, cải tiến máy bổ trụ tự động trên máy lập trình, máy cấp và đính mác tự động Ultrasonic… vào sản xuất đã giúp giảm sức lao động đi nhiều.
“Việc đính mác vào quần áo, thay vì công nhân phải ngồi xếp 4-5 mác với nhau rồi mới may vào áo, thì nhờ áp dụng máy cấp và đính mác tự động Ultrasonic, công nhân chỉ việc lấy và đính vào. Máy đã xếp sẵn mác theo số thứ tự yêu cầu gắn nên giảm thời gian xếp mác, công nhân may được nhiều sản phẩm hơn”, bà Khánh Quyên chia sẻ. Giảm sức lao động và tăng năng suất nên tiền lương cũng tăng lên. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 là 9,5 triệu đồng/người/tháng và số lượng công nhân may không bị giảm.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Vân (Công ty TNHH Takahata Precision Việt Nam, 100% vốn đầu tư Nhật Bản, KCN Nomura, TP Hải Phòng, chuyên sản xuất và lắp ráp linh kiện nhựa kỹ thuật) cho biết, đã làm 12 năm, tại bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm sau hoàn thiện. Trước đây, số công nhân được tuyển khá nhiều (có khi hơn 1.000 người) nhưng hiện nay, nhà máy chỉ sử dụng ổn định khoảng 600 lao động, bởi nhiều khâu, công đoạn đã được thay bằng thiết bị điện tử để đảm bảo độ chính xác cao cho linh kiện. Với việc kiểm tra bằng máy, một người vận hành thiết bị có thể thay cho nhiều người, chính xác hơn, năng suất cao hơn. Đổi lại, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, vì không được làm thêm giờ, không thêm tiền như trước. Khi nhà máy đổi mới dây chuyền công nghệ, ứng dụng số hóa, nhiều lao động phải chuyển sang công việc khác, chỉ giữ lại những người thạo việc, biết vận hành các loại máy móc, thiết bị mới.
Chủ động trang bị kỹ năng
Bà Nguyễn Thị Kiều Giang, Trưởng Ban Truyền thông, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cũng như đại diện nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản (khu vực sử dụng nhiều lao động nhất hiện nay), cho rằng, trong khoảng 10 năm tới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa ảnh hưởng nhiều tới việc làm của công nhân lao động. Song, các doanh nghiệp không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi công nghệ, tự động hóa. Trước mắt, các doanh nghiệp trong Vinatex đang tập trung cho chuyển đổi số và tìm thị trường, đơn hàng… để tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, khẳng định, mục tiêu kiên định của tập đoàn là chuyển đổi số và tự động hóa vì đây sẽ là xu thế trong tương lai của các thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu về sản xuất xanh, kinh tế số và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các đối tác.
Theo nhiều chuyên gia, với lao động ngành dệt may, trong 10 năm tới không có biến động đáng kể, nhưng sẽ có biến động lớn trong tương lai xa. Nhiều vị trí việc làm mới gắn với công nghệ 4.0 sẽ phát sinh, cơ hội dành cho lao động trình độ và kỹ năng trung bình trở lên, lao động chân tay sẽ bị thu hẹp dần. “Do đó, người lao động phải chủ động hoặc được nâng cao tay nghề, trình độ, trang bị nhiều kỹ năng để thích ứng với điều kiện mới. Như nhân lực kỹ thuật cao trong ngành may phải biết sử dụng công nghệ sản xuất thông minh như thiết kế dây chuyền may sử dụng công nghệ số, thiết kế mẫu bằng công nghệ 3D, kiểm soát chất lượng thông minh, điều hành dây chuyền may dạng tế bào ứng dụng công nghệ số…”, ông Lê Nho Thướng, nguyên Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, đúc kết.