Cũng trong giai đoạn này, TPHCM sẽ ươm tạo 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử. Đây là nội dung được đề cập trong chương trình “Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030” vừa được UBND TP phê duyệt.
Kiểm định lõi IP tại ICDREC.
Theo chương trình này, TPHCM xác định quan điểm ngành công nghiệp vi mạch là ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng; là nền tảng để hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Phát triển công nghiệp vi mạch tại TPHCM sẽ tạo bứt phá trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin của thành phố và cả nước; tạo tiền đề để phát triển Internet của vạn vật (IoT), là cơ sở để TPHCM xây dựng đô thị thông minh một cách bền vững.
Do vậy, TPHCM đặt ra các mục tiêu cho giai đoạn từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 để phát triển công nghiệp vi mạch với những nền tảng cơ bản như: cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, phát triển thị trường vi mạch điện tử, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt, nghiên cứu thiết kế sản xuất thử nghiệm vi mạch và sản xuất các sản phẩm điện từ đầu cuối ứng dụng chip Việt, xây dựng phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm, nghiên cứu xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch.