Hiểu về thành phố sáng tạo
Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN) là chương trình quốc tế, hiện có 350 thành phố thành viên từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Các thành phố thành viên xác định văn hóa, sáng tạo là yếu tố chiến lược phát triển đô thị bền vững.
Tại Việt Nam, năm 2019, UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thiết kế”. Đến tháng 10-2023, UNESCO công nhận Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian”, Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”.
Liên hoan Âm nhạc Quốc tế TPHCM, một trong những điểm nhấn văn hóa của thành phố. Ảnh: TIỂU TÂN |
Việc các thành phố trên tham gia UCCN thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong phát huy sáng tạo văn hóa và phát triển nguồn lực văn hóa, tạo động lực cho quá trình phát triển bền vững của cộng đồng, địa phương và đất nước.
Ngày 16-4-2021, Bộ VH-TT-DL ban hành kế hoạch xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Theo kế hoạch này, TPHCM là một trong những địa phương tiếp theo có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia UCCN trong những năm tới.
Đánh giá về tiềm năng của TPHCM nhằm trở thành một phần của UCCN, PGS-TS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TPHCM, nhấn mạnh: TPHCM có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của cả nước.
Cùng với đó là chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển (trong đó có nguồn lực văn hóa) và định hướng đến năm 2030 trở thành trung tâm văn hóa của khu vực Đông Nam Á, năm 2045 là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, văn hóa phát triển đặc sắc.
Vừa qua, UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030. Bên cạnh các chính sách, chiến lược phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thành phố cũng đặt mục tiêu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc UCCN nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế văn hóa, con người TPHCM ra khu vực và thế giới.
Bắt đầu từ công nghiệp văn hóa
Theo chia sẻ từ nhiều chuyên gia và mô hình dùng văn hóa mở đường cho kinh tế, dịch vụ được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, có thể thấy công nghiệp văn hóa là công cụ hữu hiệu thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh. Công nghiệp văn hóa giúp các thành phố, quốc gia xây dựng nền kinh tế - văn hóa có hàm lượng khoa học cao, tạo nền tảng cho nền kinh tế sáng tạo thích ứng với kỷ nguyên số.
Liên hoan Âm nhạc quốc tế TPHCM, một trong những điểm nhấn văn hóa lớn của TPHCM. Ảnh: TIỂU TÂN |
TS Phạm Văn Luân, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, phân tích: Từ năm 2021, TPHCM là 1 trong 7 thành phố của cả nước được Bộ VH-TT-DL xác định có tiềm năng tham gia UCCN, thời gian qua thành phố đã quan tâm và có động thái tích cực tiếp cận UCCN.
Song trên thực tế, việc gắn kết khơi dậy các nguồn lực văn hóa chưa tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh công nghiệp văn hóa phát triển theo xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Một trong những nguyên nhân chính là do thành phố chưa tiếp cận công nghiệp văn hóa để xây dựng và phát huy văn hóa sáng tạo của TPHCM trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo. Mạng lưới UCCN có một trụ cột kết nối dễ nhận thấy là: Định vị “Văn hóa sáng tạo” và công nghiệp văn hóa là hạt nhân của mọi kế hoạch phát triển từ cấp độ địa phương, khu vực đến hợp tác năng động ở cấp độ quốc tế.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử có cùng quan điểm, vốn văn hóa của Sài Gòn - TPHCM đã được thừa nhận khi là nơi hội tụ khá căn bản và toàn diện văn hóa Nam bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố gia nhập UCCN và chính công nghiệp văn hóa sẽ là đòn bẩy thúc đẩy gia tăng hàm lượng khoa học trong phát triển đời sống xã hội, văn hóa sáng tạo, đem lại những giá trị trực tiếp và gián tiếp như: tạo ra cơ hội công ăn việc làm mới, thúc đẩy tiến trình cải tiến sản xuất, kinh doanh, mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, du lịch văn hóa.
Hiện nay, thành phố đang triển khai Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM giai đoạn 2020-2030, quá trình này sẽ đưa công nghiệp văn hóa trở thành một loại tài sản chiến lược, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tính độc đáo của du lịch Sài Gòn - TPHCM.
Công nghiệp văn hóa không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ người dân thành phố làm phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa mà còn góp phần tạo nên sắc thái riêng của du lịch văn hóa Sài Gòn - TPHCM. Thông qua công nghiệp văn hóa, những giá trị di sản văn hóa đặc trưng của thành phố sẽ được khai thác mạnh mẽ, như các mô hình sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực sân khấu truyền thống rất thành công trong thời gian qua.
UNESCO đã thành lập UCCN từ năm 2004, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: (1) Nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ, (2) Thiết kế, (3) Điện ảnh, (4) Ẩm thực, (5) Văn học, (6) Nghệ thuật truyền thông đa phương tiện, (7) Âm nhạc.
Theo PGS-TS Nguyễn Thế Dũng, TPHCM có kế hoạch gia nhập UCCN trên lĩnh vực “Điện ảnh”, là một trong những thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở thành phố. Tuy nhiên, hiện phương hướng này đang gặp nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia. Hầu hết đều cho rằng việc hướng đến lĩnh vực điện ảnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém trong quá trình thực hiện nhưng hiệu quả thành công sẽ không cao.
Các vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra là: thành tích điện ảnh của TPHCM chủ yếu là “mì ăn liền” và ở bề nổi nhiều hơn là đi vào chiều sâu; thành tích điện ảnh của TPHCM ở đâu so với các quốc gia trong khu vực? Thay vào đó, các ý kiến đều thống nhất đề xuất “Truyền thông đa phương tiện” là phương án cần cân nhắc và ưu tiên hơn, vì thông qua khía cạnh này, nhiều lĩnh vực khác có thể kết nối cộng đồng cùng tham gia.
* TS NGUYỄN THỊ THU HÀ
Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:
Lợi ích từ một nền tảng trao đổi và hợp tác quốc tế tích cực
Khi một thành phố tham gia UCCN, chúng ta sẽ hưởng lợi từ một nền tảng trao đổi và hợp tác quốc tế tích cực. Trở thành một phần của UCCN, các thành phố cũng được hưởng lợi từ các thành viên của gia đình UNESCO, như nhận được sự công nhận của họ ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế; kết nối với các chương trình nghị sự và hợp tác toàn cầu; kết nối với hệ thống Liên hợp quốc; cung cấp một môi trường thuận lợi để tiến xa hơn trong việc theo đuổi sự phát triển bền vững…
* PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng
Trường Đại học KHXH-NV TPHCM:
Cần làm rõ các khái niệm
Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận và làm rõ khái niệm “công nghiệp văn hóa” và “thành phố sáng tạo”, cũng như phân biệt 7 lĩnh vực trong UCCN và 13 lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
“Công nghiệp văn hóa” đặt ra các vấn đề khai thác thành tựu, tiềm năng từ quá khứ đến hiện tại để biến thành sản phẩm văn hóa mang tính công nghiệp, còn “thành phố sáng tạo” là phải xuất phát từ sự sáng tạo của con người.
Theo tôi, cả hai đều phải nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu địa phương cho TPHCM, dựa vào tất cả yếu tố bản địa, vốn di sản vật thể và phi vật thể… Để từ đó có thể trả lời câu hỏi thương hiệu địa phương của TPHCM là gì?