Công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện: Chất lượng như hàng ngoại

Công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện: Chất lượng như hàng ngoại

Thời gian qua, ngành cơ khí phụ trợ (sản xuất linh kiện) TPHCM đã sản xuất được nhiều linh kiện đạt tiêu chuẩn quốc tế như ổ thuyền, trục quay (máy may), ốc-vít, lò xo, cây ty, bạc đạn, bộ dây điện xe hơi… (các loại động cơ). Cách đây khoảng 10 năm, ngành này chỉ đáp ứng được 8% - 10%, hiện nay đã đáp ứng được khoảng 60% - 70% nhu cầu trên thị trường.

Đạt chuẩn quốc tế

Công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện: Chất lượng như hàng ngoại ảnh 1

Dây chuyền rửa trái cây tự động. Ảnh: Q.HÙNG

Những năm gần đây, thực hiện chương trình hiện đại hóa các ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn TP, nhiều doanh nghiệp cơ khí đã tập trung đổi mới thiết bị, thuê chuyên gia nước ngoài, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp.

Đã có một số sản phẩm cơ khí chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu như máy làm bóng gạo, cân Nhơn Hòa, máy cán cao su và hàng loạt linh kiện các loại động cơ khác nhau.

Ông Võ Thành Mỹ, Giám đốc Công ty May thêu M.K, tại Khu công nghiệp Tân Tạo cho biết: “Cách đây vài năm, các công ty, xí nghiệp may mặc chạy đôn chạy đáo tìm “đỏ mắt” cũng không ra bộ ổ thuyền (thiết bị bỏ con suốt chứa chỉ may) để thay thế khi máy bị hư. Nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ làm mặc dù hàng may không kịp để giao. Ngặt nỗi, thời điểm năm 1998, công nhân chưa có tay nghề cao, sử dụng máy may hai kim chưa thành thạo, vì vậy máy liên tục bị trục trặc ổ thuyền, trục kim… Mà lúc đó, ngoài thị trường rất hiếm các loại phụ tùng máy may. Các loại phụ kiện khác trong ngành công nghiệp cũng hiếm. Muốn có phụ tùng thay thế phải đặt hàng từ nước ngoài cả tháng, thậm chí hai, ba tháng mới có. Nhưng hiện nay rất nhiều công ty trong nước sản xuất linh kiện này, chất lượng không thua gì của Nhật”.

Anh Trần Minh Giảng, chủ tiệm sửa xe gắn máy Minh Giảng trên đường Bàu Cát, phường 13, quận Tân Bình cho biết, cách đây 7 - 8 năm khách hàng thay sên cam, pít tông, đầu nòng chủ yếu dùng hàng của Thái Lan, hoặc hàng “luộc” lại từ các xe khác (hàng ở chợ Tân Thành, quận 5, TPHCM). Nhưng nay, nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng chất lượng như hàng xịn.

Công ty Futaba Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận sản xuất hàng loạt các linh kiện đạt tiêu chuẩn quốc tế như thiết bị đồng bộ cho các nhà máy công nghiệp, lắp ráp chế tạo phụ tùng, linh kiện ô tô, bộ dây điện, lò so, bu lon - con tán, các loại đinh ốc, cây ty… dùng trong xe hơi, xe tải và các loại máy khác. Hiện nay, trên địa bàn TPHCM, hàng trăm doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thuê chuyên gia tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất máy nông nghiệp, máy công cụ, máy và thiết bị kỹ thuật điện và máy thi công xây dựng công trình... Sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô với các loại sản phẩm chủ yếu như gương, kính, ghế, dây điện, săm lốp, ắc quy, các chi tiết nhựa… Hiện nay ngành cơ khí TPHCM đã đáp ứng được 60% - 70% nhu cầu sản phẩm cơ khí, trong đó xuất khẩu đạt 40% giá trị sản lượng.

Cần sự liên kết

TPHCM hiện có hơn 42.000 cơ sở sản xuất công nghiệp (SXCN), giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung. Để có thể phát triển bền vững và sẵn sàng hội nhập kinh tế thế giới, cùng với tăng cường đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực..., ngành công nghiệp TPHCM còn tập trung chuyển dịch cơ cấu ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hiệu quả cao, các ngành có thế mạnh và khả năng cạnh tranh, có thị trường trong nước và xuất khẩu lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh Xây dựng và kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận: Ngành chế tạo máy luôn là mũi nhọn của các nước phát triển công nghiệp. Hiện nay, chúng ta đã có thể sản xuất được các thiết bị cơ khí phục vụ cho nền công nghiệp nhưng vì điều kiện cơ sở hạ tầng và chính sách cho ngành này còn nhiều rào cản nên doanh nghiệp vẫn phải nhập các nguyên liệu, bán thành phẩm từ nước ngoài với chi phí cao.

Mặt khác, do chưa có nhiều đơn vị đặt hàng linh kiện nên các công ty sản xuất mang tính đơn lẻ. Năng lực marketing kém, do vậy hiện các doanh nghiệp cơ khí mới chỉ dừng ở công đoạn làm ra sản phẩm, còn tiếp thị bán sản phẩm thì được chăng hay chớ. Vì vậy, nếu được đầu tư chiều sâu duy trì năng lực sản xuất thường xuyên thì các cơ sở trên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM cho rằng, bên cạnh những vấn đề liên quan đến vốn, trình độ, công nghệ, để phát triển ngành cơ khí, Nhà nước cần mạnh dạn cho các DN cơ khí tham gia các dự án lớn mà kinh nghiệm từ việc hình thành tên tuổi trong ngành cơ khí lắp máy như Lilama là ví dụ điển hình. Nguồn nhân lực trong ngành cần được tập hợp lại để sử dụng theo đúng mục đích đào tạo hướng vào ứng dụng, tránh để lao động trong ngành đã qua đào tạo chạy sang những lĩnh vực khác. Tập trung đầu tư phát triển vào ngành cơ khí cao cấp như chế tạo phôi, cơ khí chính xác, tạo khuôn mẫu, cơ khí chế tạo máy, sản phẩm cơ điện tử và tự động hóa.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công nghiệp TPHCM (cũ), TP đã đạt được kết quả bước đầu rất khả quan trong chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển các ngành công nghiệp hiệu quả cao. Ngành công nghiệp TP đã xây dựng được nhiều đơn vị sản xuất hiện đại, hiệu quả và bền vững. Các doanh nghiệp vốn có rất nhiều thế mạnh trong lĩnh vực gia công cơ khí nên hoàn toàn có thể phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, thậm chí có thể trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu công nghiệp phụ trợ. 

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục