Việt Nam hiện đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore.
Sáng 12-1, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức dự Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đến tham dự Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT-TT sáng 12-1. Ảnh: QUANG PHÚC Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này.
Ngành TT-TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT-TT định vị lại mình, nhìn rõ các thách thức và xác định đúng không gian sống mới đóng vai trò quyết định cho mọi sự phát triển của đất nước.
Nhận định về con đường phát triển phía trước của ngành TT-TT, của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới, không chỉ của ngành mà là của đất nước và của cả thế giới. Năm 2021 không chỉ là một năm mới, mà còn là năm đầu của giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, là năm đầu của giai đoạn 25 năm để Việt Nam năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng XHCN. Con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC Theo báo cáo của Bộ TT-TT, trong năm qua, tất cả gần 60.000 các đơn vị trong ngành, trên 1 triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành đã làm việc ngày đêm, góp phần vào sự phát triển đất nước.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành TT-TT đã đạt được nhiều kết quả minh chứng bằng nhưng con số thật sự ấn tượng, khẳng định tinh thần “Nói được là làm được”, góp phần tạo nên tự hào Việt Nam, nâng thứ hạng Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là, bưu chính tăng hạng từ thứ 57 lên thứ 49; ICT tăng hạng từ thứ 108 lên thứ 77; Chính phủ điện tử tăng hạng từ thứ 89 lên thứ 86.
Đặc biệt, an toàn, an ninh mạng tăng hạng đột phá từ thứ 100 lên thứ 50. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT tăng từ 780.000 lên hơn 1 triệu người. Lĩnh vực bưu chính luôn có mức tăng trưởng cao, tăng trưởng doanh thu trung bình trên 30%/năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC Năm 2020 vừa qua, Việt Nam đã thử nghiệm thành công thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G. Việt Nam trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu. Thứ hạng viễn thông Việt Nam đã nâng 31 hạng, từ 108 năm 2018 lên 77 năm 2020.
Đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông; đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore.
Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.
Năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược Make in Viet Nam. Số doanh nghiệp công nghệ số tăng 28%, đạt gần 60.000 doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Bộ TT-TT đã công bố Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chuyển đổi số. Chương trình do Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam triển khai nhằm mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Theo Bộ TT-TT, chương trình hỗ trợ DNVVN chuyển đổi số được triển khai nhằm giải quyết “Nỗi đau” hiện nay của DNVVN là không có đầu ra, thị trường truyền thống bị thu hẹp lại do giãn cách, sự phụ thuộc vào các trung gian, đồng thời, vẫn phải chịu chi phí duy trì hoạt động. Các doanh nghiệp này chịu tác động rất nặng nề của đại dịch covid-19 trong năm 2020.
Doanh thu sụt giảm trên 50%; Số lượng doanh nghiệp nhỏ tạm ngừng hoạt động vào khoảng 24%; Số lượng doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm 15%; Khoảng 47% doanh nghiệp khi được khảo sát coi chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa cho các nền tảng số xuất sắc Make in Viet Nam hỗ trợ DNVVN chuyển đổi số. Ảnh: QUANG PHÚC
Xác định nền tảng số là chìa khóa để giải bài toán chuyển đổi số, Bộ TT-TT chủ trì, tập hợp, đánh giá, lựa chọn và công bố 12 nền tảng số Make in Vietnam tham gia Chương trình hỗ trợ DNVVN chuyển đổi số.
Cụ thể gồm: Nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP; Nền tảng quảng cáo, tiếp thị trực tuyến Novaon Onfluencer; Nền tảng phân phối hàng hóa Giga1; Nền tảng thanh toán trực tuyến VnPay và Momo; Nền tảng chăm sóc khách hàng StringeeX; Nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office; Nền tảng nhà hàng, cửa hàng BizFly; Nền tảng khách sạn, điểm vui chơi EZCloud; Nền tảng an toàn, an ninh mạng CyRadar; Nền tảng tư vấn Consultant Anywhere; Nền tảng tuyển dụng Vietnamworks.
12 nền tảng số này có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu chuyển đổi của DNVVN, cho phép doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức vận hành, để tạo ra những giá trị mới.
“Bộ TT-TT đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ có 50.000 DNVVN tiếp cận với chương trình, trong đó tối thiểu 30.000 doanh nghiệp sẽ được trải nghiệm miễn phí các nền tảng”, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Được biết, các nền tảng số tham gia chương trình Hỗ trợ DNVVN chuyển đổi số sẽ triển khai nhiều chính sách ưu đãi. Trong đó, chính sách ưu đãi tối thiểu bao gồm 3 điểm chính: Miễn phí trải nghiệm sử dụng nền tảng trong thời gian 3 tháng; Ký hợp đồng sử dụng 1 năm được miễn phí sử dụng 6 tháng (giảm 50%); Miễn phí các khoá đào tạo, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nền tảng. Chính sách ưu đãi bổ sung tuỳ đặc thù của mỗi nền tảng. Thông tin chi tiết về ưu đãi cũng như điều kiện áp dụng được công bố tại địa chỉ: sme.mic.gov.vn và smedx.vn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ TT-TT khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Ảnh: QUANG PHÚC
Cũng tại hội nghị, Bộ TT-TT đã khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108.
Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục đã xây dựng trang thông tin điện tử tổng hợp có địa chỉ tingia.gov.vn với chức năng là cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời là cổng thông tin chính thức công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật; công bố tin xác thực.
Trang tingia.gov.vn có 4 chuyên mục chính gồm: Tiếp nhận tin phản ánh; Công bố tin giả; Thống kê tin giả; Tin tức. Bên cạnh đó, mọi cá nhân, tổ chức cũng có thể phản ánh tin giả qua đầu số 1800 8108. Tổng đài của Tập đoàn Viettel sẽ hướng dẫn người dân gửi thông tin.
Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật trên trang tingia.gov.vn; Chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ, tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả nếu có, để cảnh báo người dân không chia sẻ; Hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả.
TRẦN BÌNH