Yếu toàn diện…
Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với giá trị vượt ngưỡng 70 tỷ USD (cuối năm 2017). Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức do phần lớn giá trị xuất khẩu (95%) đều nằm trong khu vực FDI, trong khi các DN nội địa vẫn chưa đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu do các DN đang hoạt động trong ngành điện tử Việt Nam phần đông là DN nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số DN. Chỉ một số ít DN nhỏ và vừa của Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng cho DN nước ngoài. Phần đông còn lại do các DN này sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, chưa chuẩn hóa đầy đủ, thiếu nhân viên có tay nghề, trình độ quản lý kém, rào cản ngôn ngữ, khả năng tiếp cận tài chính thấp… “Các nhà cung cấp sản phẩm của Việt Nam còn yếu về kỹ thuật và chất lượng không ổn định. Ngoài ra, khả năng đối ứng với các vấn đề bất thường, vấn đề phát sinh, nhu cầu thay đổi của khách hàng, cải tiến để có giá thành cạnh tranh hơn, đối ứng kế hoạch sản xuất của nhà cung cấp cũng chưa cao”, bà Đào Thu Huyền, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam, nhận xét.
Trong các buổi hội thảo gần đây, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nêu lên thực trạng đáng buồn lâu nay của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam là quá èo uột. Trong đó, khó khăn thường gặp của DN Nhật Bản là quá trình thu mua các bộ phận và linh kiện nội địa. JETRO đánh giá, tỷ lệ thu mua nội địa của các nhà sản xuất Nhật Bản ở Việt Nam chỉ đạt mức hơn 30%. Con số này rất thấp so với tỷ lệ 70% ở Trung Quốc, 60% ở Thái Lan và trên 40% ở Indonesia. Đáng chú ý, với xu hướng ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, DN Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của nhà chế tạo từ các nước láng giềng cung cấp sản phẩm với giá thành thấp hơn do việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Cái khó nữa cho ngành công nghiệp điện tử trong nước là khi so với Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… đã đi trước trong sản xuất sản phẩm phụ trợ. Đây là những quốc gia có thể sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, với giá thành rẻ.
Theo số liệu thống kê của VEIA, có 11 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/mặt hàng trong quý 2-2019, chiếm tỷ trọng 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, ngành công nghiệp điện tử (có mặt hàng điện thoại và linh kiện) dẫn đầu với 11,4 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. |
Chú trọng nâng cao năng suất
Để DN điện tử Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trước mắt cần có thực lực, cụ thể phải có công nghệ. Bên cạnh đó, phải có biện pháp quản lý công nghệ, kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt, ổn định, giá thành phù hợp. “Sản phẩm điện tử có vòng quay rất nhanh; vì vậy, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng”, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phân tích. Chưa kể, đặc thù của các sản phẩm linh kiện, phụ tùng ngành điện tử cần công nghệ cao, trong khi đó, DN điện tử Việt Nam còn yếu về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ. Vì vậy, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cả DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ và DN lắp ráp để chuyển giao công nghệ, hoàn thiện năng lực, quản trị sản xuất để DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của các DN FDI.
Đồng quan điểm trên, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành VEIA, cho rằng quá trình toàn cầu hóa đang được đẩy lên nhanh chóng tại khắp các quốc gia, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong sản xuất ngay tại thị trường nội địa, kể cả Việt Nam, khi xuất hiện ngày càng nhiều nhà cung cấp phụ trợ cho ngành công nghiệp chính như công nghiệp điện tử, ô tô, hàng không, kỹ thuật cơ khí… Do đó, cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ DN, đặc biệt là DN trong ngành điện tử. Bên cạnh đó, các hoạt động giúp nâng cao năng suất, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy liên kết các chuỗi cung ứng trong nước, kết nối DN trong nước với các DN FDI của ngành điện tử trong khu vực và trên thế giới cũng là điều cần thiết và quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA), được đánh giá là cơ hội “vàng” cho hợp tác kinh tế giữa tất cả các DN nói chung và DN điện tử nói riêng với các nước trong EU - thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Do đó, ngành điện tử Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới các nhà cung cấp trong nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu; từ đó sẽ giúp giảm rủi ro về chuỗi cung ứng, thời gian giao hàng cũng như chi phí.
Ngoài ra, để có thể đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài tại sân chơi mang tầm khu vực, các DN cũng cần nắm cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả và phù hợp.