Hiện thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt với 35% mức chi tiêu. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của người Việt ước tính khoảng 15% GDP và đang có xu hướng gia tăng.
Chỉ riêng năm 2018, tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tăng trưởng mạnh với mức tăng 18%. Sản phẩm ngày càng phong phú, số lượng ngày càng tăng. Đây là một trong những động lực thúc đẩy lớn cho ngành chế biến, đóng gói bao bì Việt Nam nâng lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất thế giới với quy mô thị trường hiện khoảng 5,1 tỷ USD (IMS Health nhận định).
Còn theo Công ty Nghiên cứu thị trường Global Data, Việt Nam sẽ là một trong 3 nước sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng ngành dược tốt trong thời gian tới, trung bình 10%/năm. Bên cạnh đó, ngành hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm cũng đang tăng trưởng rất mạnh mẽ. Tất cả những yếu tố này đều hướng tới yêu cầu thị trường đóng gói bao bì hiện đại, tiện dụng và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, để phát triển bền vững, xu hướng bao bì hiện nay không chỉ đòi hỏi phải mỏng, nhẹ, thân thiện với môi trường, thiết kế, in ấn đẹp mắt, ấn tượng mà còn phải thông minh với hình mờ kỹ thuật số và mã vô hình có thể được quét bằng cách sử dụng điện thoại thông minh của người tiêu dùng. Ngoài ra, đối với các thương hiệu lớn, bao bì còn chính là giải pháp quan trọng để nhận biết hàng thật, hàng giả. Riêng trong ngành công nghiệp thực phẩm cần đến những loại bao bì không chỉ giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn mà còn đảm bảo bảo vệ hàng hóa trong lưu thông và giữ được hương vị và giá trị dinh dưỡng các thành phần.