Tỷ lệ qua chế biến thấp
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường, hiện nay, năng suất trồng cà phê của Việt Nam đang đứng đầu thế giới và thị phần đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil). Tổng cục Thống kê thông tin, năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,61 triệu tấn, với kim ngạch lập kỷ lục mới là 4,18 tỷ USD (tăng 3,1%).
Thế nhưng, xét về giá bán thì cà phê Việt Nam lại đứng cuối bảng trong số 5 “đối thủ” đang xuất khẩu cà phê vào thị trường các nước châu Âu. Lý do, ông Doãn Hữu Tuệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt (doanh nghiệp xuất khẩu cà phê) cho rằng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu vì chiếm phần lớn là xuất khẩu dưới dạng thô, chấp nhận giá bán rẻ hơn nhiều đối thủ cạnh tranh!
Dẫn chứng thêm về mặt hàng cà phê, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện cả nước mới có 6 nhà máy cà phê hòa tan và 17 nhà máy, cơ sở sản xuất cà phê phối trộn, với tổng công suất khoảng 220.000 tấn sản phẩm/năm, đạt tỷ lệ 12%. Thế nhưng, có tới trên 100 cơ sở sơ chế cà phê nhân với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm và 620 cơ sở chế biến cà phê bột (rang xay) với tổng công suất 73.150 tấn sản phẩm/năm, trong đó gần 50% là cơ sở chế biến nhỏ lẻ, quy mô gia đình.
Không riêng cà phê mà nhiều nông sản khác như hạt tiêu, hạt điều, thậm chí lúa gạo, rau quả… hiện nay cũng mới chỉ được sơ chế rồi xuất khẩu thô, sau đó phải “mượn” thương hiệu của đối tác trung gian ở nước thứ ba.
Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), Việt Nam có hơn 10 nhóm mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ... nhưng tăng trưởng lại chủ yếu nhờ tăng quy mô, sản lượng và bán thô. Chẳng hạn, cả nước chỉ có hơn 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm, nhưng tỷ lệ sử dụng công suất chỉ đạt trên 56%. Còn lại là hàng chục ngàn cơ sở chế biến kiểu hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ.
Thống kê từ Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cho thấy, tỷ lệ nông sản qua chế biến ở Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm trung bình khoảng 10% tổng sản lượng thu hoạch, dẫn đến thất thoát sau thu hoạch ở mức lớn.
Đầu tư chưa tương xứng tiềm năng
Các mặt hàng nông, thủy sản được xem là thế mạnh của ĐBSCL, nhưng thời gian qua, đầu tư công nghiệp chế biến cho các mặt hàng này chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện công nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu tại ĐBSCL còn tự phát, thiếu quy hoạch, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này thể hiện rõ ở việc nhiều sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô hoặc mới qua sơ chế nên giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào các nhà xuất khẩu trung gian và bán lẻ.
Tiền Giang là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái nằm trong tốp đầu ở ĐBSCL với hơn 86.000ha. Đã có một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu, cấp đông trái cây. Mới đây, Công ty TNHH Sản xuất trái cây Hùng Phát - Tập đoàn ANDROS Asia đưa vào hoạt động kho lạnh ở Gò Công rộng 6.000m2 với sức chứa 1.500 pallet. Đây là một phần của nhà máy chế biến có diện tích 16.000m2, trong đó diện tích lưu trữ và xuất nhập hàng là 2.500m2.
Tại huyện Chợ Gạo, nhà máy chế biến trái cây cũng được Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đầu tư, đưa vào vận hành từ đầu năm 2022. Hiện nhà máy có công suất chế biến khoảng 170 tấn nguyên liệu/ngày, chủ yếu sử dụng các loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang như thanh long, xoài, mít, chuối... Từ năm 2022, công ty đưa vào vận hành dây chuyền chế biến sản phẩm từ dừa có công suất hơn 300.000 trái/ngày đêm.
Dù vậy, theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, lĩnh vực chế biến nông sản ở địa phương vẫn chưa được đầu tư, phát triển tương xứng so với nhu cầu thực tế. Các nhà máy chế biến lớn hiện có ở địa phương chỉ mới đáp ứng cấp đông, chế biến được khoảng 10%-12% sản phẩm tươi toàn tỉnh. Nhiều cơ sở chế biến nhỏ hoạt động trong tình trạng thiếu máy móc, công nghệ kỹ thuật và công nhân có tay nghề vận hành...
Đây cũng là thực trạng chung trong lĩnh vực chế biến nông sản tại nhiều địa phương ở ĐBSCL như: Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ…
Tương tự, Cà Mau hiện là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) với kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm, chiếm 20%-25% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Song, hiện tỉnh này chỉ có 38 doanh nghiệp với 41 nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản, tổng công suất thiết kế khoảng 250.000 tấn/năm.
Ông Lê Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giang Châu (hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), đánh giá, chế biến là khâu rất quan trọng để nâng cao giá trị hàng hóa, nhất là các mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến nông sản nói chung, thủy hải sản nói riêng ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp chế biến hải sản hiện gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư lớn (máy móc, thiết bị, công nghệ…), thủ tục xin cấp phép hoạt động (môi trường, phòng cháy chữa cháy ) còn nhiều bất cập. Thế nhưng, đầu ra lại không ổn định, thiếu đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp dễ thua lỗ trong hoạt động…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu chỉ bán thô thì không thể có giá bán cao, trong khi thông qua đầu tư công nghệ chế biến sâu, doanh nghiệp các nước đang triệt để “tích hợp đa giá trị”, không chỉ làm ra sản phẩm (thức uống) có giá trị cao mà còn làm ra nhiều thứ từ cà phê như phân bón (bã cà phê), thuốc nhuộm (vải, sợi, giày…).
Tại hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đặt câu hỏi: Tại sao Starbucks có thể biến ly cà phê giá chỉ có 2-3 cent thành đồ uống 5-10 USD?